Hóa chất kích chín sầu riêng nằm trong danh mục cấm
Liên quan việc nông dân nhúng sầu riêng vào hóa chất chứa ethephon, vẫn có nhiều ý kiến rất khác nhau...
- 01-09-2016Kinh hoàng "hang ổ" sầu riêng nhúng hóa chất
- 30-06-2016Trồng sầu riêng thu tiền tỷ, cơn sốt lan nhanh ở Đắk Nông
- 25-06-2016Giả sầu riêng rụng trên các trang bán hàng online
Ngày 3-9, ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - cho biết đã xác định loại phân bón lá HPC-97HXN được dùng thúc chín sầu riêng là hóa chất nằm trong danh mục cấm dùng cho bảo quản nông sản và thực phẩm, chỉ được dùng trong trồng trọt.
Ông Hưng nêu trong HPC-97HXN có những hợp chất có khả năng làm chín trái cây được phép sử dụng.
Tuy nhiên, trong phân bón lá có nhiều chất và kim loại nặng chỉ phù hợp làm lá cây xanh tốt và rất độc khi thấm vào trái cây đã thu hoạch, sau đó vào cơ thể người.
“Do đó, dùng phân bón lá pha loãng kích chín trái cây là sai” - ông Hưng nói.
Ông Hàng Văn Chúc, trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng (UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng), cho biết mẫu sầu riêng đã được mang đi phân tích mức độ tồn dư kim loại nặng.
Theo ông Chúc, toàn bộ số sầu riêng cơ quan chức năng đang tạm giữ sẽ bị tiêu hủy sau dịp nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT - cho biết tại VN chưa có chất làm chín trái cây nào được phép sử dụng, việc lấy phân bón lá để làm chín sầu riêng là sai chức năng của sản phẩm.
Ông cho rằng phân bón có chức năng cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất, trong thành phần có ethephon nhưng không phải cứ có hoạt chất có tác dụng làm chín là có thể sử dụng để làm chín trái cây bởi “sản phẩm phân bón lá còn có các thành phần khác chưa xác định được mức độ tinh khiết”.
Tuy chưa có nghiên cứu, khảo nghiệm xem nó vô hại nhưng vì dùng sai nên theo ông Hồng, có thể xếp vào nhóm có nguy cơ.
Ông Hồng nêu cách đây vài năm, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị các doanh nghiệp tìm và khảo nghiệm các chế phẩm có tác dụng làm chín trái cây, hiện có một số doanh nghiệp đang đăng ký khảo nghiệm.
Bản chất của chất làm chín trái cây là sinh ra khí etylen, nhưng muốn sử dụng an toàn thì phải đúng liều lượng, đúng tác dụng nhà sản xuất đã công bố.
Trước đây người dân dùng đất đèn dấm trái cây, nhưng ông Hồng khẳng định nhiều nước đã cấm đất đèn vì lo ngại dư lượng kim loại nặng.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Phong - trưởng bộ môn sau thu hoạch Viện Nghiên cứu cây ăn quả (NCCAQ) miền Nam, làm chín trái cây bằng phương pháp nhúng với hoạt chất ethephon đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, nguồn gốc thuốc phải được nhà cung cấp xác định để đảm bảo an toàn. Hóa chất chứa ethephon cũng được pha chế với nhiều chất khác nhằm các mục đích khác nhau như xử lý kích thích ra mủ trên cây cao su... nhưng chỉ áp dụng trước thu hoạch.
Do đó, “vấn đề ở đây là phải kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc loại hóa chất đó và phải xem kỹ nó có được phép nhúng trực tiếp trái cây sau thu hoạch vào hay không” - TS Phong cho biết.
Theo TS Võ Hữu Thoại - phó viện trưởng Viện NCCAQ miền Nam, phân bón HPC-97HXN (loại 500 ml/chai) mà nhiều người dân sử dụng rõ ràng dùng để bón lá chứ không phải dùng nhúng chín trái cây.
Thế nhưng dung dịch này chẳng qua là hoạt chất ethephon, vẫn được người dân dùng làm chín trái cây từ bao đời.
Vấn đề là các cơ quan chức năng phải kiểm soát, khuyến cáo việc sử dụng nồng độ bao nhiêu và hóa chất ấy có nằm trong danh mục cấm của Bộ NN&PTNT hay không.
Riêng chai thuốc đặc trị nấm Phytophthora được cơ sở mua sầu riêng tại Lâm Đồng sử dụng, theo ông Thoại, rõ ràng là không ổn bởi ngừa nấm thì ngừa trên cây trong vườn, chứ không phải thu hoạch trái xong mới dùng.
Đối với bột nghệ, ThS Nguyễn Thanh Tùng - bộ môn công nghệ sau thu hoạch Viện NCCAQ miền Nam, nói hiện tại chưa thấy công trình nghiên cứu nào công bố áp dụng bột nghệ trong xử lý trên trái cây tươi sau thu hoạch, nhưng việc nhúng bột nghệ có thể chỉ làm vỏ sản phẩm có màu vàng hơn.
Tuổi trẻ