Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước:
Ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ tăng trưởng
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; kịp thời nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có biện pháp phù hợp. Mục tiêu là bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mọi chính sách của các nước lớn, đặc biệt là chính sách điều hành lãi suất và thắt chặt tiền tệ của Mỹ, đều được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đánh giá. Việc điều hành lãi suất và tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước năm nay trước hết dựa trên tính toán từ những con số, thông số nhằm tiếp tục duy trì sự ổn định.
Trong thời gian tới, nếu điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất so với mức đã cam kết vào cuối năm 2022. Về điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, hài hòa với chính sách xuất nhập khẩu; tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam; bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp (DN) sử dụng ngoại tệ và hạn chế rủi ro cho DN khi tỉ giá biến động; bảo đảm nguồn lực cho Chính phủ và các DN đang vay nước ngoài...
Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới cùng những vấn đề phát sinh trong nước và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất - kinh doanh cũng như huy động vốn trung, dài hạn để mở rộng đầu tư.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, cần đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế; tập trung vốn vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, cần tập trung xử lý những khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu DN; thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Về dài hạn, cần tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Nhiều giải pháp thu hút du khách
Năm 2023, dự báo nhu cầu của khách du lịch quốc tế tiếp tục suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Trong bối cảnh này, ngành du lịch TP HCM tập trung triển khai Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 với 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng. Thứ hai, tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP HCM. Thứ ba, thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch. Thứ tư, phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 160.000 tỉ đồng.
Ngành du lịch TP HCM sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy tối đa lợi thế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN và cộng đồng phát triển du lịch; nâng chất các điểm đến và các chương trình du lịch hiện có; phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố gắn với văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực cùng các loại hình du lịch đường thủy, du lịch cộng đồng, du lịch y tế, du lịch kết hợp hội nghị (MICE)...
Bên cạnh đó, ngành du lịch TP HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, DN cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành...
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Tiếp tục hỗ trợ thuế, phí
Dù đạt kết quả tích cực trong năm 2022 song nền kinh tế Việt Nam bước sang năm 2023 bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố trong nước và quốc tế. Nhiều nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang dần giảm tốc, các dấu hiệu bất ổn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN dần hiện rõ. Vì vậy, cộng đồng DN rất quan tâm đến những nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được đề cập ở Nghị quyết 01/2023, nhất là chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ nhằm tận dụng thời cơ, thuận lợi và giảm thiểu tác động tiêu cực; định kỳ hằng quý cập nhật kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý... Những chỉ đạo và giải pháp cụ thể mà Chính phủ đề ra rất đúng trọng tâm, phù hợp với mong muốn của cộng đồng DN và sát thực tế. Nếu khâu thực thi và giám sát được thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân và DN trên tinh thần chính sách phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận để bù đắp cho những bất ổn đến từ tình hình thế giới. Trong đó, chính sách hỗ trợ thuế, phí cần tiếp tục thực hiện trong năm nay bởi DN dễ dàng tiếp cận và mức độ lan tỏa lớn hơn chính sách hỗ trợ về vốn, nhất là trong trường hợp chính sách hỗ trợ về vốn không thực chất.
TS CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:
Thách thức lớn từ bên ngoài
Nghị quyết 01/2023 có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước với nhiều chỉ tiêu mới về kinh tế số, môi trường đầu tư - kinh doanh và đưa ra thời hạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành xây dựng một số luật quan trọng ngay trong quý I/2023 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; riêng Luật Các tổ chức tín dụng phải hoàn thành vào giữa năm nay.
Năm 2023, thách thức đối với nền kinh tế là rất lớn khi suy thoái cục bộ, ngắn hạn và nhẹ có thể xảy ra ở một số nước. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay chỉ đạt khoảng 1,7%. Nước ta có độ mở nền kinh tế rất cao nên sẽ chịu tác động lớn từ bên ngoài ở các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Trung Quốc là bạn hàng rất lớn của Việt Nam. Dù nước láng giềng bắt đầu mở cửa nhưng dự báo tăng trưởng năm nay chỉ khoảng 4,5%-5%, thấp hơn nhiều so với mức bình thường khoảng 7%, nên sẽ tác động tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới còn rất nhiều rủi ro, tác động tới mặt bằng lãi suất, áp lực tỉ giá, thanh khoản, thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định nếu không có chính sách ứng phó phù hợp, tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm từ 7% xuống còn 5%. Do đó, Nghị quyết 01/2023 ra đời với nhiều yêu cầu cao và quyết liệt hơn được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Về động lực tăng trưởng trong năm nay, có 3 khu vực được kỳ vọng là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng là một kênh tạo động lực với khoảng 700.000 tỉ đồng cần giải ngân trong năm 2023. Ngoài ra, Nghị quyết 01/2023 cũng đề cập việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và đây là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn.
Ông BÙI THÀNH TRUNG, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB):
Doanh nghiệp nên ưu tiên quản trị rủi ro
"Cú sốc" tỉ giá năm 2022 là một bài học cho DN trong việc nhìn nhận bảng cân đối tài sản, chênh lệch tỉ giá, lãi suất kỳ hạn... Thời gian qua, độ mở thị trường tỉ giá biến động mạnh, đồng USD tăng giá kỷ lục nên không có lý do gì mà VNĐ không biến động. Chúng tôi mong DN ưu tiên quản trị tỉ giá, lãi suất. DN nên đưa ra những giải pháp cho chiến lược phát triển dài hạn trong 3-5 năm, trong đó ưu tiên quản trị rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại cung cấp sản phẩm liên quan đến bảo hiểm tỉ giá, lãi suất, hoán đổi ngoại tệ, dùng lãi suất thả nổi sang cố định... Từ bài học năm 2022, DN nên tập trung sử dụng những biện pháp này. Các ngân hàng thương mại, trong đó có OCB, sẽ đồng hành với DN nhằm tạo sự ổn định tốt nhất để DN tập trung nội lực phát triển sản xuất - kinh doanh.
Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam:
Chủ động đổi chiều chính sách
Trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức từ bên ngoài, Việt Nam vẫn có "cửa hẹp" để có thể đổi chiều chính sách và giải quyết được những khó khăn nội tại khi điều kiện cho phép.
Trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng trong quý I/2023 sẽ không tích cực và quý II/2023 tiếp tục khó khăn. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhưng có khả năng chỉ tăng 0,25 điểm %, thay vì 0,5 điểm % trong lần điều chỉnh lãi suất vào tháng 2 tới. Khả năng rất cao là lần tăng lãi suất cuối cùng sẽ diễn ra vào đầu tháng 5, sau đó duy trì mức đỉnh lãi suất 5%-5,25% đến cuối năm 2023. Như vậy, cuối tháng 5, Việt Nam sẽ có dư địa để không phải chạy đua lãi suất, áp lực tỉ giá qua đi; cũng là dư địa để ổn định chính sách, ổn định vĩ mô.
Về tác động từ phía Trung Quốc, chúng ta có thể kỳ vọng vào "cơn gió xuôi" khi quốc gia này mở cửa. Sau giai đoạn đầu chưa ổn định, đến khoảng tháng 4 và tháng 5-2023, Trung Quốc sẽ tự tin hơn, từ đó tạo cú hích về khôi phục tổng cầu nội địa, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và khách du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tính chủ động của Việt Nam trong điều hành chính sách. Chúng ta không thể chờ đợi những điều kiện bên ngoài một cách thụ động mà có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện cho phép. Bên cạnh đó, cần lưu ý dù có thể kỳ vọng vào đầu tư công và tiêu dùng trong nước bù đắp cho suy giảm xuất khẩu nhưng phải giải ngân vốn FDI song song với giải ngân đầu tư công thì mới tạo thành bức tranh sáng cho nền kinh tế.
Thái Phương - Minh Chiến - Thùy Dương ghi