MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Kỳ có thể là nước đầu tư lớn vào Việt Nam trong những năm tới

Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ.

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước"  do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức ngày hôm nay (18/11), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, có được thành công này là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, tập trung giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn.

Hai nước cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên. Về bản chất, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ mang tính bổ sung cho nhau.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ và cùng Hoa Kỳ nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.

Bà Marie Damour, Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, trong 25 qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 450  triệu USD năm 1994 lên 75,7 tỷ USD, vào cuối năm 2019.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã đạt 61,34 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018, chiếm 25,3% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, góp phần quan trọng vào mở rộng thị trường phục vụ phát triển sản xuất, tăng nguồn thu ngoại tệ. Tuy chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, sau 9 tháng năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn giữ đà tăng trưởng với tốc độ trên 20%.

Tổng giá trị nhiều các dự án đã thỏa thuận giữa 2 nước cũng phát triển rất ấn tượng, như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, sản xuất và tham chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng và đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, các lĩnh vực đầu tư khác như y tế, giáo dục … cũng đang thu hút sự quan tâm các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Hàng dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử…tiếp tục có nhiều cơ hội xuất khẩu

Đại diện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Dustin Daugherty, Công ty Dezan Shira & Associates nhận định, Hoa kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và rất đa dạng của Việt Nam, khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì những sản phẩm và phụ kiện và linh kiện điện tử xuất khẩu vào Hoa Kỳ rất tiềm năng như chip của máy tính. Đầu tư FDI vào Việt Nam tuy Hoa Kỳ không phải là quốc gia lớn nhất, nhưng trong những năm tới Hoa Kỳ có thể là nước đầu tư lớn vào Việt Nam.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ là không thể đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việt Nam sẽ trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ trong nhưng năm tới và Việt Nam sẽ trở thành nơi dịch chuyển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Hoa Kỳ, do chi phí tại Trung Quốc ngày càng tăng và thương chiến Mỹ - Trung sẽ gây trở ngại cho nhà đầu tư. Các nước gia công hàng điện tử cho Hoa Kỳ đang có sự chuyển hướng rất lớn và Việt Nam là điểm đến cho sự chuyển hướng thương mại này, và người hưởng lợi là các quốc gia điểm đến.

Trong thời gian tới, chính sách của chính quyền ông Biden sẽ quan tâm đến phục hồi kinh tế, phòng chống dịch Covid-19, phát triển xanh và các hoạt động sản xuất liên quan đến môi trường, và cũng có nhiều dấu chỉ cho thấy chính sách thương mại sẽ quay lại với hiệp định CPTTP (TPP).

Để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Việt Nam cần chú ý đến các lĩnh vực: môi trường thuế; cơ sở hạ tầng; chi phí lao động; năng lực lao động và thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay được cho là rất hấp dẫn.

Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,7% trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ là 2.497,5 tỷ USD và Hoa Kỳ luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhiều năm nữa.

Các cơ hội xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục thuộc các nhóm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử, linh kiện, đồ gỗ nội thất, dù mỗi nhóm hàng có thể phải đối mặt với khó khăn khác nhau từ thị trường hay môi trường chính sách.

Nhóm hàng nông sản, hoa quả tươi sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường cùng với quá trình hoàn thiện công nghệ bảo quản và chuỗi phân phối. Các sản phẩm cơ khí, chế tạo cũng có cơ hội từng bước tham gia thị trường nhờ năng lực sản xuất ngày càng nâng cao của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp các nguyên liệu quan trọng như hóa chất, dược phẩm, bông, nguyên liệu thức ăn gia súc, hoa quả ôn đới phục vụ sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam.

Theo Nguyễn Huyền

Theo BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên