MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng"

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng"

Động lực từ khối ngoại góp phần không nhỏ đưa cổ phiếu Hòa Phát quay đầu hồi phục sau nhịp điều chỉnh kéo dài từ đầu tháng 9.

Sau 3 tháng bán ròng liên tiếp, khối ngoại đang trở lại mạnh mẽ trên cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát . Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 7 phiên liên tiếp cổ phiếu này với tổng khối lượng hơn 18,5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị gần 450 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực đối với cổ phiếu đầu ngành thép sau khi bị khối ngoại “xả” ròng gần 2.000 tỷ trong 3 tháng trước đó.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 1.

Động lực từ khối ngoại góp phần không nhỏ đưa HPG hồi phục sau nhịp điều chỉnh kéo dài từ đầu tháng 9. Sau khoảng 2 tuần, cổ phiếu này đã tăng gần 13% thị giá, vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 17.000 tỷ, đạt xấp xỉ 146.000 tỷ đồng. Sự trở lại của khối ngoại được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho HPG thời gian tới khi dữ liệu quá khứ cho thấy sự đồng pha nhất định của cổ phiếu này với dòng vốn ngoại trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 2.

Thêm nữa, khối ngoại đảo chiều mua ròng cổ phiếu HPG lại rơi đúng vào thời điểm Hòa Phát liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực gần đây. Quý 3/2023, tập đoàn lãi ròng 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ nặng đến 1.786 tỷ. So với quý 2 trước đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đầu ngành thép đã tăng trưởng 38%.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 3.

Không chỉ lợi nhuận, sản lượng bán thép của Hòa Phát cũng đang hồi phục mạnh mẽ. Trong tháng 10 vừa qua, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, phôi thép của tập đoàn đạt 635.000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.

Trong đó, sản lượng bán HRC đạt trên 273.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước. Hòa Phát cũng cho biết kết quả bán hàng HRC đạt mức cao chủ yếu nhờ nhu cầu các sản phẩm hạ nguồn tại thị trường miền Nam và xuất khẩu tốt hơn so với tháng 9. Các sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát trong tháng 10 như ống thép, tôn mạ cũng tăng lần lượt là 11% và 25% so với tháng trước đó.

Với sản phẩm thép xây dựng, thép chất lượng cao, Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường 339.000 tấn, giảm 4% so với tháng 9. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu đã tăng 23% so với tháng trước, đóng góp 110.000 tấn. Hòa Phát cho biết đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, tập đoàn có những đơn đặt hàng xuất khẩu phôi thép ra thị trường quốc tế.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 4.

Những tín hiệu lạc quan từ hoạt động xuất khẩu đến khi giá thép thế giới đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc đã tăng hơn 7% trong chưa đầy 2 tuần qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Tương tự, giá HRC cũng tăng gần 25% trong cùng khoảng thời gian và lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.

Giá thép thế giới hồi phục nhờ nhu cầu thép tăng trở lại trong khi áp lực từ nguồn cung bị hạn chế do các nhà sản xuất duy trì tồn kho ở mức thấp. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất trong nước như Hòa Phát qua đó bù đắp phần nào sự ảm đạm của thị trường thép trong nước.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 5.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 6.

Sáng cửa hồi phục trong năm 2024?

Trong ngắn hạn, tiêu thụ thép trong nước còn khó khăn tuy nhiên những triển vọng hồi phục trong dài hạn của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đang được đánh giá cao. Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2024 sẽ phục hồi 12% so với cùng kỳ khi thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi từ nửa cuối năm và giải ngân vào đầu tư cơ sở hạ tầng duy trì ổn định.

Bộ phận phân tích này cũng kỳ vọng kênh xuất khẩu có thể tiếp tục ổn định trong năm tới. Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Hòa Phát (như Mỹ, Châu Âu và ASEAN) dự kiến sẽ tăng lần lượt 1,6%, 5,8% và 5,2% so với cùng kỳ trong năm 2024, cải thiện từ mức -1,1% , -5,1% và 3,8% trong năm 2023.

Trong khi đó, SSI Research cho rằng giá thép xây dựng có thể đã chạm đáy do nguồn cung Trung Quốc giảm. “Nhiều khả năng giá thép sẽ không giảm thêm nữa và có thể sẽ phục hồi hoặc ổn định trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh do nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2024 và phụ thuộc tính hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc” - báo cáo nêu rõ.

Trong năm 2024, SSI Research dự báo giá than cốc sẽ ổn định từ mức cao hiện tại do nguồn cung than cải thiện và nhu cầu hạ nhiệt sau mùa cao điểm nhập khẩu than luyện kim ở Ấn Độ. Dựa trên giả định giá thép xây dựng và HRC trung bình sẽ giảm về mức thấp hơn -1% so với mức giảm trung bình -5% so với cùng kỳ của giá quặng sắt và than luyện kim, biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát được kỳ vọng sẽ cải thiện lên 14,7% từ 11,4% trong năm 2023.

Hòa Phát (HPG) dồn dập đón tin vui, khối ngoại trở lại "gom hàng" - Ảnh 7.

Với các điều kiện như trên, SSI Research hiện dự báo lãi ròng trong cả năm 2023 của Hòa Phát sẽ đạt 5.950 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022. Điều này tương ứng Hoà Phát có thể sẽ lãi ròng hơn 2.100 tỷ đồng trong quý 4/2023, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2.000 tỷ cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ đầu năm. Trong năm 2024, Bộ phận phân tích dự phóng lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể đạt 10.780 tỷ đồng, tăng mạnh 81% so với năm 2023.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên