MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoán đổi nợ thành vốn góp cổ phần: Rất cần thiết!

18-10-2016 - 07:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng thường không bao giờ chịu cắt giảm nợ nếu họ không thu được gì từ phía doanh nghiệp. Vì đơn phương cắt giảm nợ cho doanh nghiệp thì ngân hàng chịu thiệt, trong khi nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì họ sẽ chia cổ tức cho cổ đông, chứ không chia cho ngân hàng chủ nợ một đồng nào.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư Quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Dự thảo Thông tư này cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần. Tuy nhiên, các TCTD chỉ được hoán đổi nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.

Dự thảo này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ. Ví dụ, nợ thuộc nhóm 5 tức là nợ đã rất xấu, doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Nên nếu hoán chuyển nợ thành cổ phần thì ngân hàng trở thành cổ đông, buộc phải rót thêm vốn để nuôi các doanh nghiệp xác sống, trong những lĩnh vực phi ngân hàng mà ngân hàng không có chuyên môn quản trị. Do đó có khả năng nợ càng dày thêm và cuối cùng ngân hàng mất “cả chì lẫn chài”.

Tuy nhiên, thực chất việc cho phép hoán đổi nợ xấu thành cổ phần như dự thảo đề xuất là một kênh xử lý nợ xấu hiệu quả và cần thiết, đã được nhiều nơi và nhiều nước áp dụng. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã tiến hành hoán đổi nợ thành cổ phần với Tập đoàn thiếc Vân Nam với trị giá cổ phần hoán đổi lấy nợ là 2,35 tỷ Nhân dân tệ. Những doanh nghiệp khác đã thực hiện việc tương tự bao gồm Sinosteel.

Ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới, việc cơ cấu lại nợ được đưa ra thương thuyết trên cơ sở thương mại, dựa vào cơ chế thị trường chứ không có sự bắt ép hay can thiệp của nhà nước. Trong trường hợp xấu xảy ra là các bên không đạt được thống nhất về cách giải quyết nợ trên cơ sở thương lượng thiện chí thì lúc đó mới dẫn đến khả năng doanh nghiệp sẽ bị cho phá sản hoặc thanh lý.

Việc hoán đổi này dựa trên giả định rằng nhiều doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại nếu có gánh nặng nợ nần thấp hơn. Một doanh nghiệp khi lâm vào nợ nần khó trả sẽ thương lượng với chủ nợ cắt giảm một phần mức nợ để họ có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh, giữ được việc làm cho nhân công và có lãi trở lại. Khi giảm được nợ, doanh nghiệp có thể tiếp tục vay mượn để đầu tư (vì các ngân hàng sẽ cho vay một phần dựa trên sức khỏe bảng cân đối tài kế toán của doanh nghiệp, bị ảnh hưởng nhiều bởi mức nợ), hoặc tạo điều kiện cho đối thủ thâu tóm, củng cố và phát huy lợi thế kết hợp cũng như tái cơ cấu lại ngành nghề theo hướng bền vững hơn.

Nhưng các ngân hàng thường không bao giờ chịu cắt giảm nợ nếu họ không thu được gì từ phía doanh nghiệp. Vì đơn phương cắt giảm nợ cho doanh nghiệp thì ngân hàng chịu thiệt, trong khi nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi thì họ sẽ chia cổ tức cho cổ đông, chứ không chia cho ngân hàng chủ nợ một đồng nào. Nên, nếu theo dự thảo của NHNN cho phép ngân hàng nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp để đổi lấy việc cắt giảm nợ thì ngân hàng sẽ cùng được hưởng lợi nếu doanh nghiệp phục hồi và làm ăn có lãi, và giá trị cổ phần và cổ tức thuộc về ngân hàng thậm chí còn lớn hơn giá trị của khoản nợ ban đầu ngân hàng đồng ý cắt giảm hoặc xóa cho doanh nghiệp.

Ngược lại, nếu ngân hàng không được phép hoán đổi này nợ thành cổ phần thì tất nhiên nợ xấu vẫn là nợ xấu, vẫn chẳng mất đi đâu được, nhưng cũng chẳng xử lý được. Còn doanh nghiệp thì vẫn ngắc ngoải, không có cơ hội gượng dậy, và tức là các bên đều mất mát, thiệt hại. Nói cách khác, cách hoán đổi nợ thành cổ phần vẫn tốt hơn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung so với cách cho vay đảo nợ để nuôi nợ xấu hay từ đưa món nợ ra khỏi bảng cân đối kế toán.

Tất nhiên, để cách hoán đổi nợ thành cổ phần có hiệu quả, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi nếu được “hà hơi tiếp sức” bằng nguồn vốn mới, tiền thật, chứ không phải là hoán đổi nợ với các doanh nghiệp nhà nước “xác sống”, hoạt động không hiệu quả, bên bờ vực phá sản nhưng vẫn được giữ cho tồn tại trên danh nghĩa. Và đây là điều vẫn còn chưa được làm rõ trong dự thảo.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên