Hoãn phiên xét xử vụ Chủ tịch Công ty chứng khoán SMES và đồng phạm lừa đảo gần 300 tỷ đồng
Đây là lần thứ hai phiên xét xử phải tạm hoãn, hồi cuối tháng 5/2022, sau khi mở phiên tòa xét hỏi được hai ngày, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung một số nội dung liên quan đến vụ án.
Giữ nguyên quan điểm truy tố
Sáng nay (4/7), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo gần 300 tỷ đồng liên quan Công ty cổ phần chứng khoán SME (SMES) với Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí (PVFI); Công ty Cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) và Ngân hàng HabuBank (nay là SHB). Tuy nhiên, do một bị cáo có đơn xin hoãn nên phiên tòa không diễn ra theo kế hoạch.
Trong vụ án, các bị cáo Phạm Minh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty CPCK SMES); Phan Huy Chí (Chủ tịch SMES); Nguyễn Huy Sơn (nguyên cán bộ Công ty SMES); Nguyễn Thành Nam (Giám đốc Công ty SMES chi nhánh TPHCM); Nguyễn Phương Lan (nguyên cán bộ Công ty SMES); Cao Tuấn Nghĩa (Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Anh) bị đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS 1999.
Còn Chu Xuân Lai (nguyên Tổng giám đốc PVFI); Lê Xuân Tân (nguyên Phó Tổng giám đốc PVFI); Vũ Xuân Công (nguyên Phó ban dịch vụ tài chính PVFI); Vũ Thị Hồng Lan (nguyên Trưởng ban dịch vụ tài chính PVFI) bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285 BLHS 1999.
Trước đó, cuối tháng 5/2022, TAND TP Hà Nội từng mở phiên xét xử sơ thẩm, song quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ hai nội dung.
Thứ nhất, có hay không biên bản xác nhận công nợ, kế hoạch trả nợ giữa PVI với SMES với hai hợp đồng đầu tư chứng khoán ký ngày 21/4/2010? Nếu có thì đã thực hiện thế nào?
Thứ hai, số cổ phiếu PVFI đứng tên SMES mà bị cáo Phan Huy Chí đang nắm giữ và mục đích mua số cổ phiếu này liên quan thế nào đến số tiền hơn 79 tỷ đồng mà SMES nhận từ PVFI theo các hợp đồng?
Theo toà, điều này được làm rõ sẽ giúp xác định các bị cáo có chiếm đoạt tiền của PVI và PVFI hay không và nếu có là bao nhiêu, thời điểm và hình thức nào? Từ đây, nhà chức trách sẽ xác định trách nhiệm hình sự, dân sự giữa bị cáo và các chủ thể liên quan.
Căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung, Viện KSND Tối cao thấy nội dung yêu cầu điều tra bổ sung thứ nhất, tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 17/4/2011 hết hạn hợp đồng, giữa Hoàng Ngọc Anh (một khách hàng được tạo dựng); Công ty tư vấn Anh; Công ty SMES và PVI có văn bản trao đổi về việc gia hạn thời hạn thanh toán cũng như lãi phạt chậm trả, kế hoạch thực hiện hợp đồng. Từ ngày 21/4/2011 - 18/5/2011, SMES đã trả cho PVI tổng số hơn 65,6 tỷ đồng để thanh toán cho hợp đồng 15, 16. Đến ngày 18/8/2011, PVI có văn bản số 71 gửi SMES và Phan Huy Chí với nội dung yêu cầu phía SMES thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng. Do vậy, nội dung yêu cầu này của TAND TP Hà Nội trước đây đã được cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ thể hiện tài liệu trong hồ sơ vụ án.
Đối với nội dung yêu cầu điều tra bổ sung thứ hai, Viện KSND Tối cao cho hay, kết quả điều tra bổ sung đã thể hiện số cổ phần này được SME cầm cố cho PVFI từ thời điểm tháng 8 và tháng 9/2010, không liên quan đến số tiền hơn 79,7 tỷ đồng do PVFI giải ngân theo 4 Hợp đồng từ số 122 - 125.
Do đó, Viện KSND tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng ban hành ngày 15/8/2019 và chuyển hồ sơ vụ án đến TAND TP Hà Nội để giải quyết theo quy định.
Tạo dựng khách hàng gian dối
Theo cáo buộc, Công ty SMES có trụ sở tại Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người đại diện pháp luật là ông Phan Huy Chí.
Quá trình hoạt động, do cần tiền sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, Phan Huy Chí lợi dụng sơ hở của đối tác, dùng thủ đoạn gian dối để tạo dựng khách hàng, đưa các mã chứng khoán khống vào Hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, Hợp đồng ủy thác cầm cố, xác nhận phong tỏa mã chứng khoán để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) hơn 107 tỷ đồng; chiếm đoạt của Công ty Cổ phần tài chính công đoàn Dầu Khí (PVFI) hơn 111 tỷ đồng và chiếm đoạt của ngân hàng HabuBank 80 tỷ đồng.
Theo đó, tại PVI, Phạm Minh Tuấn và Phan Huy Chí chọn khách hàng Hoàng Ngọc Anh và Cao Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Anh, nhập khống số lượng mã chứng khoán nhằm hoàn thiện hồ sơ để ký 2 hợp đồng hợp tác đầu tư với PVI. SME, PVI ký hai hợp đồng hợp tác với Hoàng Ngọc Anh giá trị hơn 168 tỷ đồng, với Cao Tuấn Nghĩa hơn 198 tỷ đồng... Trong đó, Ngọc Anh và Nghĩa góp bằng số dư các mã cổ phiếu phổ thông, không hạn chế chuyển nhượng. Thực tế hai khách hàng này không sở hữu số chứng khoán trên.
Quá trình điều tra, anh Hoàng Ngọc Anh thừa nhận số CMND ghi trong các hợp đồng là của mình. Nhưng anh này cho biết bị mất CMND và đã làm lại CMND khác. Bản thân anh là sinh viên, không có tiền đầu tư chứng khoán, không biết và không có quan hệ với các bên trong hợp đồng. Còn Cao Tuấn Nghĩa thừa nhận sai phạm trong việc ký hợp đồng nhưng cho biết bản thân không được hưởng lợi.
Trong khi, tại PVFI, các bị cáo tạo dựng hồ sơ hợp tác chứng khoán và nhập chứng khoán khống để làm hợp đồng hợp tác đầu tư giữa SME, PVFI với 6 cá nhân mở tài khoản tại SME.
Theo Viện kiểm sát, các bị cáo Nguyễn Huy Sơn, Nguyễn Phương Lan và Cao Tuấn Nghĩa, biết rõ khách hàng không sở hữu số dư chứng khoán nhưng vẫn ký hợp đồng, lập hồ sơ, tạo điều kiện cho các bị cáo Phan Huy Chí, Phạm Minh Tuấn và Nguyễn Thành Nam chiếm đoạt tiền. Do đó, họ bị xem là đồng phạm sức.
Đối với các bị cáo Chu Xuân Lai, Lê Xuân Tân, Vũ Xuân Công và Vũ Thị Hồng Lan, bị cáo buộc là những người có nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đã không làm đúng, đầy đủ quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của PVFI và quy định tại hợp đồng cung cấp dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết đã được ký kết giữa PVFI với SMES. Ngoài ra, các bị cáo cũng không thực hiện đúng với nội dung hợp đồng nên để cho Phan Huy Chí cùng đồng phạm lợi dụng, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho PVFI số tiền hơn 109 tỷ đồng.
Tiền phong