MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoàn thiện hạ tầng vùng đồng bằng sông Hồng

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần có các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Hồng.

Chú trọng liên kết vùng, kết nối hạ tầng chiến lược trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là một trong những định hướng lớn được đưa ra tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSH do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì mới đây.

Huy động mọi nguồn lực

Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố, chiếm 6,42% diện tích (21.278 km2). Vùng có trình độ phát triển kinh tế thứ 2 cả nước, sau vùng Đông Nam Bộ. Giai đoạn 2005 - 2020, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,94%/năm; năm 2020, chiếm 29,4% GRDP cả nước, thu nhập bình quân gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỉ lệ đô thị hóa trên 41%, trên 99% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; là vùng đất rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển.

Để tận dụng các tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển, khẳng định vị trí của vùng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng vùng ĐBSH cần phát triển với 3 nhóm định hướng lớn. Trước hết, tổ chức không gian phát triển vùng gắn với 4 hành lang kinh tế, 4 vùng động lực, đô thị và cực tăng trưởng, 2 tiểu vùng kinh tế. Thứ hai, phát triển 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu với trọng tâm là phát triển công nghiệp hiện đại, có lợi thế cạnh tranh của vùng; các ngành dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao về du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế… gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng vùng, với trọng tâm là phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông kết nối liên vùng.

Phát triển kết cấu hạ tầng vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được nêu ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH, được cụ thể hóa tại chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề nguồn lực là bài toán cần có lời giải để đáp ứng yêu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần có các cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng, nhất là hạ tầng giao thông, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện những dự án liên vùng kết nối. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng để đầu tư xây dựng các dự án liên vùng.

Phát hành trái phiếu quốc tế, vay ODA

Bên cạnh đó, về dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cho phép phát hành trái phiếu quốc tế hoặc vay ODA để đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội hoặc cho phép áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cho các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao liên vùng và các trục giao thông chính của vùng gắn với hành lang kinh tế, nhằm khai thác tối đa không gian ngầm, mở rộng không gian phát triển, giải quyết các vấn đề của đô thị nén như ách tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường. Đây là chính sách mà Quốc hội đã cho phép TP HCM thí điểm thực hiện tại Nghị quyết 98.

Hoàn thiện hạ tầng vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông là xương sống trong liên kết vùng Ảnh: HỮU HƯNG

Để vùng ĐBSH giữ vai trò là 1 trong 2 "đầu tàu" kinh tế và động lực tăng trưởng của cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kiến nghị nhóm giải pháp về hạ tầng, tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, cần khai thác triệt để lợi thế về vận tải đa phương thức trong vùng ĐBSH theo cả 5 phương thức vận tải gồm: đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để phát huy tối đa lợi thế vùng là đầu mối giao thông, cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng thủ đô Hà Nội và vùng trung du, miền núi phía Bắc nhằm khơi thông nguồn hàng, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Phát huy vai trò trung tâm của Hà Nội

Cho rằng đây là bước ngoặt của cả vùng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSH là căn cứ quan trọng để xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc riêng.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tích cực, chủ động tham gia lập quy hoạch vùng; phối hợp với các địa phương triển khai các cơ chế liên kết, bảo đảm sự phát triển thống nhất theo quy hoạch vùng như: cơ chế cung cấp thông tin; phối hợp đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng; cơ chế hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực…

Với vai trò là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSH, việc phát triển kết cấu hạ tầng luôn được TP Hà Nội chú trọng để tăng cường tính kết nối, lan tỏa lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho lĩnh vực này.

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, chú trọng hạ tầng giao thông vận tải, thúc đẩy các hoạt động liên kết, phát triển của vùng bằng các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng. Cùng với đó, đầu tư hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống đường kết nối theo quy hoạch và phù hợp với kiến trúc, cảnh quan; phấn đấu hoàn thành xây dựng dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô trước năm 2027; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân...

Thúc đẩy 3 đột phá chiến lược

Để phát triển vùng ĐBSH, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương chuẩn bị thủ tục để triển khai các dự án cụ thể, trong đó có dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đường ven biển Thanh Hóa - Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh; nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc… Nghiên cứu thành lập hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Hoàn thiện hạ tầng vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 2.

Hạ tầng giao thông là xương sống trong liên kết vùng Ảnh: HỮU HƯNG

Thủ tướng cũng nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng về liên kết, kết nối vùng, trước hết là trong việc thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, như: kết nối hạ tầng giao thông; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông; kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực; kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng.

Về tài chính, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư cho vùng và tạo liên kết, phát huy vai trò nguồn vốn của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị là cho phép ngân sách địa phương đầu tư các dự án vùng và liên kết vùng; đẩy mạnh liên kết, hợp tác công - tư theo Luật PPP và liên kết thu hút đầu tư FDI, sử dụng nguồn vốn ODA; tinh thần là không phân mảnh, không chia cắt, phát huy sức mạnh tổng hợp. Liên kết phát triển hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở), y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng. 

Kết nối nguồn lực của các địa phương

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng quy hoạch vùng ĐBSH phải tạo ra sự kết nối để những nguồn lực nhỏ bé của các tỉnh được kết hợp lại, trở thành nguồn lực mạnh cho sự phát triển. Để hội đồng thực sự có vai trò điều phối sự phát triển của vùng thì điều quan trọng nhất là hội đồng phải có được vai trò điều phối, phân bổ các nguồn lực phát triển của vùng. Muốn vậy, hội đồng vùng phải nắm được 2 khâu: Một là, quy hoạch phát triển vùng; hai là, nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, quan trọng nhất là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng.

Còn đại diện UBND tỉnh Thái Bình đánh giá đẩy mạnh liên kết vùng là xu thế khách quan tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, là nhiệm vụ quan trọng và là cơ hội to lớn để đẩy nhanh tiến trình phát triển của tỉnh, theo kịp các tỉnh bạn trong khu vực, góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng chia cắt, khép kín theo địa giới tự nhiên và hành chính.

Theo Minh Chiến - Huy Thanh

Người lao động

Trở lên trên