Hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường bất động sản - Nhiệm vụ “then chốt” của ngành Xây dựng trong năm 2024
Với những diễn biến khó lường từ thị trường bất động sản trong năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: "Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển thị trường bất động sản bền vững".
Tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường
Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện, tham mưu Chính phủ, trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung đổi mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hai Bộ Luật nói trên đã thể chế hóa đầy đủ, kịp hời quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; huyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở, phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, cũng theo người đứng đầu ngành xây dựng, hai Bộ Luật mới được thông qua cũng đã góp phần thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; đặc biệt là các quy định mới về chính sách nhà ở xã hội, phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân…
Thực tế cho thấy, việc hai Bộ Luật quan trọng được thông qua đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường khi những quy định được xây dựng theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hóa hoạt động của tất cả các bên tham gia thị trường, từ doanh nghiệp chủ đầu tư đến người mua nhà hay các đơn vị môi giới trung gian,…
Bên cạnh những kỳ vọng vào sự hồi phục tích cực của thị trường bất động sản, một điểm mới được các chuyên gia đánh giá rất cao ở Luật Nhà ở là việc đã thể chế hóa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là điểm mới rất đáng kỳ vọng.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mô hình này rất phù hợp: thứ nhất là có nhà ở, thứ hai là hạ tầng kỹ thuật thông thoáng, thứ ba là có nhà văn hóa thể thao do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư, trường học, mẫu giáo, y tế… Do đó, mô hình này đáng nhân rộng để công nhân được an cư lạc nghiệp.
Thực tế cho thấy, từ năm 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thí điểm mô hình nhà ở cho công nhân nằm trong khu công nghiệp Đồng Văn 2 (tỉnh Hà Nam) và hiện dự án này đang cho công nhân thuê đạt 100% số phòng.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn cho các chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
“Luật Nhà ở mới có các ưu đãi linh hoạt, có thể thu hút được. Ví dụ như là sử dụng 20% quỹ đất của dự án cho phát triển nhà ở thương mại, hoặc kinh doanh dịch vụ”, ông Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, cho biết.
Ngoài việc hoàn thiện và trình thông qua 2 Bộ Luật quan trọng là Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, trong năm 2023, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị định; 01 Nghị quyết, 01 Chỉ thị; 08 Quyết định ; 03 Công điện và ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Chúng tôi tin rằng với những luật được thông qua như thế này sẽ khiến những cá nhân, nhà đầu tư và các chủ đầu tư có một niềm tin vững chắc hơn nhiều vào thị trường, từ đó giúp thị trường có dấu hiệu phục hồi vào năm 2024
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam
Mục tiêu lớn trong năm 2024
Về mục tiêu của ngành xây dựng trong năm 2024, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hoàn thiện thể chế tiếp tục được xác định là nhiệm vụ then chốt.
Theo đó, hiện Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ thống nhất đưa vào đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Theo đó, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trong năm 2024, Bộ Xây dựng cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước trình Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2025.
Về tiến độ cụ thể, hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị.
Với Luật Cấp, thoát nước, đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến, thông qua đề nghị xây dựng Luật, hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Đối với Luật Quản lý, phát triển đô thị, ngày 19/12/2023, Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, bên cạnh việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định trong năm 2024 là xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực đồng thời với Luật.
“Cần tăng cường công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đánh giá tác động của luật, cơ chế chính sách đã ban hành; phát hiện những vướng mắc, bất cập, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Xây dựng.
Nhịp sống thị trường