Học Ngôn ngữ Anh nhưng mê tiếng Trung, nữ sinh xinh như hot girl đỗ vào 7 trường ĐH top đầu Trung Quốc
Thành tích của Thanh Hà khiến nhiều người không khỏi ấn tượng.
- 04-07-2023Đây là "cánh cửa" khác cho các em học sinh không đỗ lớp 10 cả công lập và ngoài công lập: Phụ huynh có thể tham khảo thêm
- 04-07-2023Bí quyết của nữ 'thủ khoa kép' đỗ cùng lúc vào 4 trường chuyên
- 03-07-2023Cô giáo Văn ở Hà Nội giúp nhiều em đỗ trường THPT chuyên, chia sẻ bí quyết dạy độc đáo để Văn cũng không còn là "nỗi ám ảnh"
Sau khi học xong đại học, các bạn trẻ hiện nay có vô vàn con đường để lựa chọn. Có người chọn đi làm luôn, nhưng cũng có người lại chọn học lên Thạc sĩ để nâng cao trình độ của bản thân. Ngay kể cả với việc học Thạc sĩ, các bạn cũng có thể học trong nước, hoặc "xuất ngoại" để trải nghiệm một môi trường mới mẻ.
Đối với Lê Thanh Hà (sinh năm 2001, Hà Nội, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN), cô nàng chọn vế đi du học bậc Thạc sĩ. Không chỉ sở hữu vẻ ngoài xinh xắn, Thanh Hà còn sở hữu thành tích khiến nhiều người ấn tượng khi giành được học bổng toàn phần 100% từ Chính phủ Trung Quốc, đồng thời cũng đỗ vào 7 trường Đại học top đầu khác của "đất nước tỷ dân". Thành tích đáng tự hào này chính là kết quả ngọt ngào cho sự nỗ lực không ngừng của Thanh Hà trong suốt 4 năm học tập.
Lê Thanh Hà (2001) HSK6 IELTS 7.0. Chủ nhân của 7 bài nghiên cứu khoa học (xuất bản 5 bài). Đạt 10 giải NCKH và sáng tạo. Sinh viên 5 tốt cấp thành phố. Học bổng tiếng CIS từ Đại học Trung Nam |
Tình yêu to lớn với tiếng Trung
Xuất phát điểm là một sinh viên Ngôn ngữ Anh nhưng Thanh Hà lại có một niềm yêu thích đặc biệt với tiếng Trung và con người, đất nước Trung Quốc. Được biết, cô bạn "bén duyên" với ngôn ngữ này một cách rất tình cờ, cụ thể là vào đợt giãn cách xã hội khi Covid-19 bùng phát.
"Thực ra lúc đầu mình học tiếng Trung chỉ là do cảm thấy tiếng Trung khá là hay, còn nhớ lúc đó mình thích nhất bài hát '答案' (Đáp án), bản thân mới nghĩ hay học thử cho biết rồi càng học càng 'nghiện' tới bây giờ luôn" , nữ sinh kể lại.
Thời gian mới bắt đầu học, Hà tận dụng mối quan hệ với bạn bè người Trung để nhờ họ dạy và chỉnh sửa cách phát âm, rồi cô nàng tự mua sách về đọc và nghiền ngẫm. Cuốn sách đầu tiên Hà mua tên là Siêu Trí Nhớ Chữ Hán. Vì khoảng thời gian giãn cách đó khá rảnh rỗi, nên cả ngày nữ sinh đều dành ra để tập viết chữ. Chỉ trong vòng 1 tháng đầu, Hà đã học hết cuốn sách đó và có thể giao tiếp nói chuyện cơ bản về những chủ đề đời thường với bạn bè người Trung bằng tiếng Trung.
Tuy nhiên, thấy kiến thức ngôn ngữ của bản thân cần được cải thiện hơn, nên cô nàng đã quyết định học lên cao. Sau khi đạt chứng chỉ HSK4, Hà tiếp tục học lên HSK5 và HSK6. Hà chia sẻ bản thân tự nhận thấy và có sự so sánh liên tưởng riêng giữa Trung và tiếng Việt nên cảm thấy học tiếng Trung không quá khó.
"Ở trình độ này, do thời gian chuyển bị hồ sơ rồi mọi thứ quá gấp rút nên mình chỉ kịp học hết 2 cuốn 'Từ vựng HSK5' và 'Từ vựng HSK6' rồi đi thi. Bản thân mình tự nhận thấy và có sự so sánh liên tưởng riêng giữa Trung và tiếng Việt nên việc 'ngấm' tiếng Trung không quá khó" , Hà chia sẻ.
May mắn, Hà vẫn "chinh phục" HSK6 thành công. Về cách học, cô nàng chia sẻ mọi người nên tập trung để hiểu rõ tại sao trong một câu, người ta lại sử dụng cấu trúc ngữ pháp, văn phong... như vậy, chứ không nhất thiết phải học thuộc lòng công thức vì như thế phản xạ giao tiếp sẽ không nhanh, không tự nhiên được.
Tuy nhiên nữ sinh cho rằng, đạt được chứng chỉ tiếng Trung cao như vậy cũng chỉ đảm bảo phần nào về mặt kiến thức ngôn ngữ. Còn muốn sử dụng thành thạo tiếng Trung, bản thân người học phải tập trung trau dồi hàng ngày.
Chọn du học Trung Quốc để dễ dàng về thăm gia đình
Đam mê ngôn ngữ là một chuyện, còn khi được hỏi về lý do lựa chọn Trung Quốc là nơi học tập sau đại học, Thanh Hà cho rằng Trung Quốc tập hợp nhiều trường có chất lượng giáo dục đào tạo tốt và có chi phí du học hợp lý với mức sinh hoạt cũng như học phí không quá cao. Tại đây, nữ sinh còn có thể thỏa sức với niềm say mê với ngôn ngữ của mình. Đặc biệt, nếu du học Trung Quốc, Thanh Hà sẽ có cơ hội được về nhà thường xuyên hơn so với những ai lựa chọn học ở các nước châu Âu hay châu Mỹ.
Để hiện thực hóa mong ước, ngay từ khi còn là sinh viên năm 3, Thanh Hà đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng cho hành trình du học Trung Quốc của mình. Thanh Hà bộc bạch: "Khi quyết định du học Trung Quốc, mình đã bắt tay vào tìm hiểu các trường đại học và cân nhắc về ngành học, chương trình học nào mình có thể học để từ đó đặt ra mục tiêu và làm hồ sơ apply phù hợp. Những lúc gặp thông tin không rõ, mình thường chủ động liên hệ với các trường qua email hoặc đọc các bài viết của của anh Nguyễn Quảng Đạt - một blogger du học Trung Quốc với nhiều thông tin khá bổ ích".
Nộp hồ sơ xin học bổng Chính phủ từ tháng 3, nhưng phải đến tháng 6 nữ sinh mới nhận được kết quả. Nhớ lại hôm đó, Thanh Hà đang lướt mạng xã hội thì thấy các bạn trong nhóm báo là có kết quả rồi. Lúc đầu kiểm tra, cô không nhận được mail thông báo nên nghĩ bản thân đã trượt nhưng khi check trên hệ thống thì Thanh Hà nằm trong danh sách đỗ. Mãi sau hôm đó trường mới gửi mail về cho nữ sinh.
"Nhận được mail báo đỗ thì mình có chia sẻ với bố mẹ và bạn bè. Bản thân cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện với kết quả này. Một phần cũng do may mắn, một phần cũng là quá trình cố gắng của bản thân, lúc apply mình chỉ tâm nguyện phải đỗ học bổng để đi học, mình chưa từng dám nghĩ nếu trượt thì mình sẽ làm gì".
Tổng kết lại cả quá trình ứng tuyển học bổng, nữ sinh đã nhận được giấy báo đỗ của 7 trường đại học (ĐH Nam Kinh, ĐH Đông Nam, ĐH Tứ Xuyên, ĐH Thiên Tân…) và cả ĐH Trung Sơn với Học bổng Chính phủ hệ Thạc sĩ. Hiện tại, Thanh Hà vẫn đang chờ thêm kết quả từ các trường khác.
Và 1001 kỷ niệm đáng nhớ
Trong hành trình vừa qua, Thanh Hà nhớ nhất kỷ niệm "dở khóc dở cười" với một thầy giáo phụ trách hướng dẫn bên Trung. Thầy là người cho Thanh Hà thư chấp nhận học bổng, đồng thời là phụ trách hướng dẫn nữ sinh trong quá trình du học nếu như apply thành công. Trong quá trình làm hồ sơ, thi thoảng cô nàng có cập nhật tình hình của bản thân cũng như hỏi han, tâm sự với thầy nếu như có điều thắc mắc.
"Đợt trước khi phỏng vấn khoảng 1 - 2 tuần, mình cũng lo và hỏi thầy về nội dung phỏng vấn mọi năm. Thầy thì không trực tiếp tham gia phỏng vấn nên liên tục bảo mình yên tâm, phỏng vấn không khó đâu. Tới khi phỏng vấn thật, mình rất sốc vì kiến thức mà các thầy cô hỏi tới đều rất liên quan tới chuyên ngành. Hôm đó phỏng vấn 10 câu thì trừ câu giới thiệu bản thân, 9 câu còn lại đều là hỏi về chuyên môn.
Xuất phát điểm không phải là sinh viên ngành ngôn ngữ Trung, nên dù có đọc bài review phỏng vấn trong nhóm và đọc qua 2 cuốn sách hướng dẫn phỏng vấn trước khi tham gia vòng thì mình vẫn hơi 'choáng' với độ khó của câu hỏi. Tới lúc phỏng vấn xong, mình mới kể cho thầy là em thấy phỏng vấn khó quá, thì thầy bảo: dễ hơn phỏng vấn sinh viên Trung Quốc…" .
Còn về lời khuyên cho các bạn trẻ, Thanh Hà chia sẻ nếu đam mê ngôn ngữ thì cứ mạnh dạn thử sức. Kiến thức là mênh mông vô tận, nên chẳng bao giờ bạn có thể học hết mọi thứ liên quan đến ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ cả. Ngay kể cả hiện nay có nhiều quan điểm học về ngôn ngữ khi lên đại học là thất nghiệp, thì đó cũng chỉ là quan điểm cá nhân, các bạn nên chắt lọc sao cho phù hợp.
"Chưa nói đến tiếng Trung, nói về ngành mình học là Ngôn ngữ Anh thôi, thì mình thấy quan điểm này không hề đúng, mình chưa từng nghĩ học tiếng là một thiệt thòi, dù cho hiện tại rất nhiều bạn biết tiếng Anh, mọi người có thể cho đó là bão hoà. Nhưng để tìm được công việc tốt, thì còn cần kết hợp và xem xét nhiều yếu tố, kĩ năng khác nữa.
Hiện tại, không có ngành nào học là 100% kiếm được việc làm tốt, cũng không có ngành nào là auto thất nghiêp. Bản thân mỗi người đều phải update để theo kịp nhu cầu của thời đại" , Thanh Hà chia sẻ.
Ảnh: NVCC
Phụ nữ số