Học viện Nông nghiệp Việt Nam đáp ứng Nông nghiệp Công nghệ cao
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh vào trang thiết bị, cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu thế phát triển của nền nông nghiệp thông minh.
Nỗ lực để tạo bước đột phá
Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang cách mạng hóa cách các công ty sản xuất, cải tiến và phân phối sản phẩm, đội ngũ trí thức cũng như các trường đại học có vai trò quan trọng trong việc phát triển KHCN, đóng góp cho nền kinh tế. Đặc biệt, như Jonathan Webb - người sáng lập và Giám đốc điều hành của AppHarvest, một công ty nhà kính công nghệ cao ở bang Kentucky (Mỹ) - nói, đến năm 2050, con người cần thêm 70% lương thực. Do đó, việc đưa ra những phương pháp sản xuất tối ưu, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh là vấn đề cấp bách.
Đứng trước tình hình đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chủ động và đi đầu trong công việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới. Học viện nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và có những bước đột phá về nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, được giao thực hiện thí điểm tự chủ từ năm 2015 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xác định đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là bước đột phá. Vì thế, tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp lan rộng trong khắp các hoạt động của Học viện.
GS. TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc đầu tư về nhân lực, khoa học công nghệ, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm trọng điểm, đạt chuẩn ISO là một trong những mục tiêu hàng đầu của Học viện.
Đặt ra mục tiêu hỗ trợ công tác nghiên cứu và đáp ứng Nông nghiệp Công nghệ cao, Học viện đã đầu tư mạnh mẽ cho các phòng thí nghiệm. Hiện, Học viện có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và 82 mô hình KHCN… Trong đó, dự án WB nhằm xây dựng các nhà làm việc cho các khoa, phòng thí nghiệm trọng điểm tiêu chuẩn ISO với trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu được đầu tư kinh phí lên tới 54,2 triệu USD.
Học viện tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy và đào tạo đồng thời đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất cho các nhóm nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học chất lượng, đột phá. Để ươm tạo công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển mô hình spin-off, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, Học viện cũng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo.
Học viện ký kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, Học viện tạo ra nhiều cơ hội tuyển dụng việc làm, trao học bổng cho sinh viên.
Thành quả của sự dẫn đầu
Trong nỗ lực đổi mới, sáng tạo, Học viện cũng đẩy mạnh hợp tác với tổ chức, chính phủ nhiều quốc gia khác nhau với mong muốn để sinh viên được tiếp cận những công nghệ, ứng dụng và nghiên cứu đào tạo xuất sắc, phù hợp với yêu cầu phát triển của Nông nghiệp Công nghiệp cao.
Cuối tháng 5 vừa qua, gần 70 sinh viên hai lớp K66 NNCNC, K65 NNCNC ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Khoa Nông học được tham quan và thực hành môn học tại khu nhà lưới công nghệ cao của Trung tâm Đổi mới sáng tạo - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Khu nhà lưới công nghệ cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Khu nhà lưới thuộc dự án "Tăng cường năng lực ngành hàng rau hoa quả Việt Nam" do Chương trình Orange Knowledge Programme – OKP của Chính phủ Hà Lan thông qua tổ chức Nuffic tài trợ. Các sinh viên được tham quan, học tập, trải nghiệm khu nhà lưới công nghệ cao với các phương pháp nhân giống hiện đại.
Sự nỗ lực và quyết tâm kể trên đã giúp thầy trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt những thành quả tích cực bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2019-2021.
Trong Hội nghị "Khoa học công nghệ Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Công nghệ, sản phẩm mới" diễn ra ngày 18/5, GS. TS Nguyễn Thị Lan cho biết số lượng đề tài cấp quốc gia, hợp tác quốc tế, nghiên cứu cấp bộ và cấp tỉnh/doanh nghiệp tăng, với kinh phí tăng 17%. Số lượng các tiến bộ kỹ thuật, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích tăng mạnh, đặc biệt là công bố quốc tế tăng 10%; riêng nghiên cứ đăng trên các tạp chí khoa học chất lượng cao của thế giới tăng 33% so với năm 2018.
Cũng tại hội nghị, Học viện giới thiệu các công nghệ và sản phẩm tiêu biểu của 4 đơn vị mới thành lập gồm: Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh, Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm; Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu; Viện Nghiên cứu và Phát triển cây dược liệu.
Với sự ra mắt của các sản phẩm có tính ứng dụng cao, Học viện một lần khẳng định mục tiêu hàng đầu là tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp.