MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỏi bị cáo vô gia cư toàn câu chẳng liên quan, "Bao Công nước Mỹ" khiến toàn bộ phòng xử án lặng đi khi biết mục đích đằng sau: Thiện ý tốt thay đổi vận mệnh cả một con người

20-02-2020 - 09:22 AM | Sống

Chỉ vì bạn không biết cuộc đời người khác ra sao và chưa từng trải nghiệm điều đó không có nghĩa là bạn không thể thấu hiểu.

Ở Mỹ, không ai là không biết tới thẩm phán Frank Caprio. Suốt 35 năm nay, ông làm việc tại tòa sơ thẩm Providence (Long Island, Mỹ), chuyên thụ lý các vụ án nhẹ như đỗ xe trái phép, lái xe chạy quá tốc độ… 

Dù vậy, các phiên tòa mà Frank Caprio xử lý đều rất nổi tiếng trên mạng xã hội, thậm chí còn được đài truyền hình địa phương dựng thành chương trình “Caught in Providence”. Nhờ cách xử án và tuyên án đặc biệt của mình, ông được mệnh danh là “Bao Công nước Mỹ”. 

Frank luôn nhìn thấy những điểm tốt nhất ở con người. Bằng lòng trắc ẩn, lòng tốt, sự khiêm tốn và đồng cảm của mình, ông đã trao cho mọi người những bài học cuộc sống rất tuyệt vời.

Hỏi bị cáo vô gia cư toàn câu chẳng liên quan, Bao Công nước Mỹ khiến toàn bộ phòng xử án lặng đi khi biết mục đích đằng sau: Thiện ý tốt thay đổi vận mệnh cả một con người - Ảnh 1.

Thẩm phán Frank Caprio

***

Yesenia Fernandez là một người phụ nữ có hoàn cảnh rất éo le. Năm 13 tuổi, cô bị mẹ đuổi ra khỏi nhà và trở thành người vô gia cư từ đó đến nay. Suốt cuộc đời mình, Yesenia cố gắng làm tất cả mọi thứ nhằm giải thoát bản thân khỏi tình cảnh nay đây mai đó này. 

Mỗi tuần, cô sẽ ngủ lại nhà của một người bạn hoặc nhà tình thương dành cho người vô gia cư. Điều này đồng nghĩa với việc cô không thể toàn tâm toàn ý lo cho con cái mình - ưu tiên hàng đầu của người phụ nữ này.

Ở Mỹ, có một điều rất lạ lùng là kể cả những người vô gia cư cũng có thể mua xe. Xe hơi và áo phông là những thứ mà ai cũng phải có một cái.

Vì không có chỗ ở cố định, người phụ nữ này đành phải đỗ xe bừa ở bất cứ nơi nào có thể để tồn tại. Do đó, vé phạt của cô cứ chồng chất ngày qua ngày. Yesenia chỉ còn lại hai lựa chọn: “Liệu mình muốn bị phạt tiền hay bị tịch thu xe?” Với cô, một chiếc vé phạt là giải pháp có thể chấp nhận được, vì thế cô cứ tiếp tục lựa chọn như vậy hết lần này qua lần khác.

Điều khiến phiên tòa này trở nên thú vị nằm ở những câu hỏi của thẩm phán Frank. Thay vì đề cập đến việc vi phạm đỗ xe, ông đưa ra những câu hỏi hết sức lạ lùng, tưởng chừng như chẳng hề liên quan đến vụ án.

“Trình độ học vấn của bạn như thế nào?”.

“Bạn có đang đi làm không?”

Người phụ nữ cho biết cô đang làm hai việc cùng lúc để kiếm thêm tiền. “Công việc của tôi liên quan đến những người có khiếm khuyết về trí tuệ. Tôi cũng đang làm thêm tại cửa hàng Dunkin Donuts”.

Tuy nhiên, những câu hỏi chưa dừng lại tại đây. Frank hỏi người phụ nữ có con không và cô tiết lộ rằng mình là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Hỏi bị cáo vô gia cư toàn câu chẳng liên quan, Bao Công nước Mỹ khiến toàn bộ phòng xử án lặng đi khi biết mục đích đằng sau: Thiện ý tốt thay đổi vận mệnh cả một con người - Ảnh 2.

Cuộc hội thoại giữa vị thẩm phán và người phụ nữ trẻ diễn ra một cách hết sức lạnh lùng, nhưng ẩn giấu dưới đó là tấm lòng cảm thông mà không phải ai cũng hay thể hiện. Frank đưa ra những câu hỏi lạc đề, nhưng thực ra chúng lại rất liên quan đến việc đỗ xe sai vì chúng thể hiện tính cách thực sự của người trả lời.

Chỉ khi hiểu một người và những quyết định mà họ đã lựa chọn, bạn mới hiểu được thái độ và hành vi mà họ thực hiện.

Sau khi tìm hiểu về cuộc đời của người phụ nữ trẻ, Frank không hỏi nữa. Ông bắt đầu đọc một lá thư từ Danny - một nhân viên ngân hàng thế chấp có thâm niên tại Chicago (Mỹ). Người đàn ông này muốn gửi một tấm séc trị giá 50 USD cho thẩm phán Frank để hỗ trợ những người vi phạm và cần sự giúp đỡ.

Cảm động trước tấm lòng của Danny, cấp trên của anh đã đề nghị được đóng góp một khoản tiền tương tự. Thẩm phán Frank đã trao cả 100 USD này cho Yesenia và không quên nhắc rằng cô vẫn phải trả 150 USD còn lại. Trước đó, ông cũng bỏ qua những tấm vé phạt trị giá hàng ngàn USD mà người phụ nữ đã có. 

Cả căn phòng xử án đều lặng đi. Đến lúc này, ai cũng hiểu mục đích thực sự của vị thẩm phán là gì. Ông sử dụng câu chuyện và nguồn tài trợ từ người lạ để giáo dục mọi người. Frank muốn dạy họ một bài học, thay vì chỉ đơn thuần là trừng phạt. 

Hỏi bị cáo vô gia cư toàn câu chẳng liên quan, Bao Công nước Mỹ khiến toàn bộ phòng xử án lặng đi khi biết mục đích đằng sau: Thiện ý tốt thay đổi vận mệnh cả một con người - Ảnh 3.

Trước khi để Yesenia rời đi, thẩm phán Frank đã nói với cô những lời cuối cùng, ẩn chứa bài học quý giá về cách đối nhân xử thế.

“Tôi không sống một cách vô cảm.

Tôi nhìn thế giới thông qua đôi mắt của những người mà tôi trò chuyện cùng.

Ngay lúc này đây, tôi đang nhìn thế giới qua con mắt của bạn. Tôi biết những khó khăn mà bạn đã trải qua và hoàn toàn cảm thông với chúng. Tuy đến từ một gia đình nghèo nhưng tôi đã CÓ một gia đình. Vì thế, tôi biết cảm giác có gia đình là như thế nào. Nhưng tôi không biết được cảm giác vô gia cư là như thế nào.

Chỉ vì tôi không biết không có nghĩa là tôi không hiểu.

Bạn đã trình bày câu chuyện của mình một cách thuyết phục tại đây ngày hôm nay và thể hiện thái độ lạc quan về nó. Tôi nghĩ bạn sẽ trở thành một người tuyệt vời trong tương lai. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc thôi. Hãy nhớ chúng ta đang phấn đấu vì điều gì.”

***

Khi bạn đối xử tốt với mọi người, mọi người sẽ đối xử thậm chí còn tốt hơn với bạn. Cách đối nhân xử thế sẽ nói lên rất nhiều điều về con người và tương lai của bạn sau này.

Thông qua câu chuyện trên, có những bài học về đối nhân xử thế mà bạn tuyệt đối phải ghi nhớ.

Chia sẻ những câu chuyện về sự có thể

Thẩm phán Frank thường chứng minh quan điểm của mình thông qua các câu chuyện. Ông muốn cho mọi người thấy những phẩm chất cần thiết của con người: sự khiêm nhường, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, lòng nhân ái, sự tha thứ và trên hết là sự thấu hiểu.

Một kỹ thuật khác mà ông áp dụng là đọc thư mà mọi người gửi tới. Rất nhiều trong số đó được viết bởi những người có chung hoàn cảnh khó khăn với các bị cáo. Sau khi nghe về câu chuyện của người lạ, họ sẽ tự biết cách giải quyết câu chuyện của mình.

Những câu chuyện này sẽ cho bị cáo thấy điều gì là có thể. Khi sử dụng câu chuyện để truyền cảm hứng cho người khác, bạn đang đối xử rất tốt với họ.

Hỏi bị cáo vô gia cư toàn câu chẳng liên quan, Bao Công nước Mỹ khiến toàn bộ phòng xử án lặng đi khi biết mục đích đằng sau: Thiện ý tốt thay đổi vận mệnh cả một con người - Ảnh 4.

Đưa ra những câu hỏi không liên quan để người trả lời thể hiện bản thân mình

Frank luôn đưa ra những câu hỏi ngẫu nhiên đối với các bị cáo của mình. Điều này giúp ông hiểu hơn về họ. 

Nếu họ thể hiện mong muốn được làm điều đúng đắn, ông cho họ thấy họ có thể tiến xa tới đâu bằng cách giảm nhẹ hình phạt hoặc xóa án.

Nếu bạn cảm thấy mình đang đối xử không tốt với người khác, hãy hỏi họ về cuộc sống, công việc và gia đình. Hãy đưa ra những câu hỏi cho thấy phẩm chất của họ và tìm cách để liên hệ bản thân với chúng. Nếu tìm hiểu đủ sâu, bạn sẽ thấy ai cũng như mình.

Khích lệ khi họ vấp ngã

Bạn có thể đứng lên từ đủ loại biến cố khác nhau như ung thư, thất nghiệp, ly hôn, chia tay, gia đình lục đục. Bạn có thể trở thành bất cứ thứ gì.

Khi bạn nghĩ đến cách mà mình đối xử với người khác, hãy thêm vào đó một vài câu động viên. Hãy giúp họ tin rằng họ có thể tiến xa hơn điều mà họ nghĩ mình có thể làm.

Nhìn thế giới thông qua đôi mắt của người mình trò chuyện

Đây là chiến lược quan trọng nhất khi học cách đối nhân xử thế. Bạn nên đặt bản thân vào vị trí của người khác và nhìn thế giới thông qua đôi mắt của họ.

Hãy thử nghĩ xem bạn sẽ sống ra sao nếu cuộc đời họ là cuộc đời của bạn. Nếu nhìn thế giới qua đôi mắt họ, bạn hy vọng mình sẽ được đối xử như thế nào? Điều gì sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn?

Theo Medium

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên