MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội chứng "rừng trọc" ở Việt Nam lên báo Mỹ

Những cánh rừng nguyên sinh của Việt Nam đang bị tàn phá và cặp vợ chồng người Mỹ đến Việt Nam đã trải nghiệm tình trạng thực tế ở rừng Cúc Phương. Dù nhìn thấy những điểm tích cực, họ vẫn phát hiện ra "hội chứng rừng trọc" ở Việt Nam là rất nghiêm trọng.

Bất chấp việc trải qua vô số cuộc chiến trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam vẫn là một kho báu đối với các nhà khoa học. Theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn nhất thế giới về sự đa dạng sinh học. Diện tích chỉ nhỉnh hơn New Mexico một chút, nhưng Việt Nam có tới 30 vườn quốc gia, với nhiều loài động thực vật vô cùng đa dạng.

Trên thực tế, hàng trăm loài thực vật và động vật mới đã được phát hiện ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua, và mỗi năm đều tăng. Ví dụ như loài Sao la. Khuôn mặt khắc khổ, dịu dàng của nó trông như thể nó vừa bước ra từ một bức tranh của danh họa Henri Rousseau, và được mệnh danh là "kỳ lân đời thực". 

Nhiều loài động vật như hoẵng, thỏ vằn, bọ que khổng lồ,... bị cho là đã tuyệt chủng lại được phát hiện ở Việt Nam. Rừng Việt Nam đang che chở khoảng hai chục loài linh trưởng - vượn, khỉ, và voọc, có màu sắc rất đặc biệt.

Tình cơ, tôi đã bị thu hút bởi một email quảng cáo từ Vườn quốc gia Cúc Phương. Rừng cổ có gần 2.000 loài thực vật và một số loài động vật quý hiếm: báo đốm, voọc quần đùi trắng, cầy vằn bắc, rái cá, gấu trúc, cú, sóc bay, culi, dơi và mèo...

Tuy nhiên khi tôi và vợ cố gắng thu xếp để đến thăm những khu rừng nguyên sinh, nhân viên công ty du lịch khá dè dặt khi chúng tôi đề cập đến rừng nguyên sinh. Anh ta cứ liên tục đánh lạc hướng chúng tôi bằng những cảnh quan thông thường và khuyên chúng tôi nên du lịch trong thành phố. Tôi nhận được một email như sau: "Bạn đã bao giờ đến Việt Nam chưa, bạn không biết tình hình thực tế của những khu rừng ở đó nhỉ. Thực ra, nó khá là tàn khốc đấy".

Tàn khốc ư?

"Vâng, rừng nguyên sinh chỉ còn nguyên sinh trong cái tên thôi. Nạn lâm tặc đã tàn phá mọi thứ".

Các quần thể hoang dã đã bị bao vây vì môi trường sống bị hủy hoại. Hậu quả của bùng nổ dân số, săn bắn và khai thác triệt để khủng khiếp đến nỗi các vườn quốc gia và các khu vực tự nhiên khác đang ở trong "hội chứng rừng trọc" (empty forest syndrome). Ngay cả động vật nhỏ và chim cũng bị săn bắn đến tuyệt chủng. 

Hội chứng rừng trọc ở Việt Nam lên báo Mỹ - Ảnh 1.

"Hội chứng rừng trọc" ở Việt Nam là đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, trong một khu bảo tồn quốc gia dành riêng cho Sao la và các động vật quý hiếm khác, người ta đã tìm thấy 23.000 bẫy dây rẻ tiền có khả năng giết chết động vật vào năm 2015. Hàng chục ngàn trong số những cái bẫy này được đặt mỗi năm. 

Mặc dù đã có những cuộc điều tra chuyên sâu, nhưng chẳng còn lại bất kỳ một dấu tích nào của một con cá hồi được chụp ảnh từ sáu năm trước. Con tê giác cuối cùng đã bị lâm tặc bắn chết tại Vườn quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Những con hổ bị săn đuổi ráo riết. Những quần thể gấu và voi với số lượng ít ỏi, dễ bị tổn thương. Gần như tất cả các loài linh trưởng đều đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nhiều cuộc tàn sát động vật hoang dã đã nổ ra vì các bộ phận động vật được cho là "thuốc quý". Dương vật hổ trị liệt dương, mật gấu chữa ung thư, sừng tê giác để phục hồi sức khỏe,...

Barney Long, giám đốc bảo tồn loài cho nhóm bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu, cho biết, nhiều động vật hoang dã bị bắt để phục vụ cho các nhà hàng "đặc sản" trong thành phố.

Sau khi tìm hiểu thêm một chút, vợ chồng tôi quyết định phải đến Việt Nam bằng mọi giá.

Trong suốt chuyến đi kéo dài hai tuần, chúng tôi đã nhận ra, một số loài hoang dã vẫn còn tồn tại, nhưng chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Hội chứng rừng trọc ở Việt Nam lên báo Mỹ - Ảnh 2.

Cúc Phương, vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, cách một vài giờ đi ô tô về phía nam của Hà Nội. Vườn quốc gia này được xây dựng vào năm 1962 bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Rừng là vàng. Nếu chúng ta biết cách bảo tồn và quản lý tốt, nó sẽ rất có giá trị".

Rõ ràng sự thật hoàn toàn khác với cái email mà tôi đã nhận được: chẳng có con voọc quần đùi trắng nào trong những khu rừng này. "Không có gấu, báo hay mèo, trừ khi chúng trốn kỹ đến nỗi ngay cả các nhà khoa học cũng không thể tìm ra", Adam Davies, Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng khẩn cấp nói.

Hóa ra, những loài động vật quý hiếm phong phú nhất đang trú ngụ tại các trung tâm cứu hộ động vật. Tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng, du khách có thể chiêm ngưỡng bốn loài voọc gần như tuyệt chủng (còn gọi là khỉ ăn lá), các loài vượn và culi. Nhiều con trong số đó đã được giải cứu khỏi từ tay những kẻ buôn bán động vật hoang dã. 

Chúng được phục hồi sức khỏe, được nhân giống khi có thể. Và nếu có một phép màu nào đó xảy ra, biết đâu chúng có thể được về lại với thế giới tự nhiên. "Những kẻ săn trộm đã khiến vườn quốc gia trở nên quá nguy hiểm, nơi này chẳng còn mấy loài có thể sống nổi nữa", ông Davies nói.

Cách đó không xa có hai trung tâm cứu hộ khác. Một trung tâm bảo vệ hàng chục loài rùa, với vẻ đẹp rất nổi bật, tất cả chúng đều có nguy cơ tuyệt chủng. 

Trung tâm thứ hai dành cho mèo báo, cầy hương, cầy mực hoặc gấu mèo và tê tê. Tê tê được bán với giá hơn 1.000 USD một cân trong nhà hàng hoặc trong các hiệu thuốc dân gian ở Hà Nội và Sài Gòn. Ông Davidies buồn bã: "Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới. Có lẽ chẳng loài nào thích cái danh hiệu này". 

Trung tâm của Davidies đã cứu trợ một số loài voọc quần đùi trắng đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy cấp trong Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long và giúp chúng tái hòa nhập với thiên nhiên. Những con voọc đang sinh con đẻ cái ở đâu đó, ẩn sâu trong khu bảo tồn.

Đột nhiên, một người hướng dẫn viên hô to làm chúng tôi giật mình quay đầu lại. Anh phấn khởi chỉ vào lùm cây bên bờ. Cuối cùng, chúng tôi cũng được tận mắt chiêm ngưỡng voọc quần đùi. Một đàn khoảng 10 con voọc có màu đen và phần mông trông như đang mặc những chiếc quần trắng. Chúng tôi đắm đuối ngắm nhìn chúng chải chuốt cho nhau, nô đùa với nhau và đắm mình dưới ánh mặt trời ở khu rừng cận nhiệt. Hi vọng rằng chúng sẽ tiếp tục được bảo vệ ở đây mà không trở thành miếng mồi của ngành công nghiệp "đặc sản". 

Tò mò về các loài gấu, chúng tôi lái xe đến vườn quốc gia Tam Đảo, tọa lạc trên một sườn núi dài phía bắc Hà Nội. Một khu nghỉ dưỡng trong vườn quốc gia đang được xây dựng, chúng tôi thấy hàng loạt cần cẩu lớn. 

Hội chứng rừng trọc ở Việt Nam lên báo Mỹ - Ảnh 3.

Thung lũng bên dưới là khu bảo tồn gấu do tổ chức Animals Asia vận hành. Thỉnh thoảng, khu bảo tồn này cũng mở cửa cho du khách tham quan. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng hai loài - gấu mặt trăng và gấu mặt trời đang nô đùa, bơi và leo trèo. Cả hai đều trông như những phiên bản nổi loạn lông lá của gấu đen Bắc Mỹ với phần cổ trắng sinh động. Chúng được giải cứu khỏi các trang trại gấu lấy mật - nơi chúng bị giam cầm và đối xử một cách tàn bạo, mật của chúng liên tục bị chiết cho đến khi cạn kiệt.

"Hành vi đó rõ ràng là trái luật, nhưng chúng cũng quá khó kiểm soát", ông Tuấn Bendixsen, giám đốc trung tâm cho biết. "Tình trạng khai thác mật gấu trái phép vẫn đang diễn ra", ông nói. "Bạn vẫn có thể mua mật gấu ở Hà Nội nếu bạn muốn". 

Nhiều chú gấu mà ông cứu được đã bị mất chân tay, hoặc bị bạo hành theo nhiều cách, chúng khó mà có thể trở về với thiên nhiên. Vùng đất hoang dã mà chúng có thể sinh sống thì ngày càng bị thu hẹp vì người ta đang khai thác rừng một cách quá mức.

Thái Trang

New York Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên