MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỏi đáp từ A đến Z về cách thức bầu Tổng thống của người Mỹ

07-11-2016 - 08:46 AM | Tài chính quốc tế

Nước Mỹ có cuộc bầu cử phức tạp nhất, đắt đỏ nhất và kéo dài nhất trên thế giới. Sau khi trải qua nhiều cuộc tranh luận, những cuộc bỏ phiếu kín, hàng loạt các cuộc bỏ phiếu ở nhiều cấp, ứng viên giành được nhiều phiếu nhất vẫn có thể thua cuộc.

225 năm qua, đến hẹn lại lên cứ 4 năm 1 lần nước Mỹ lại tổ chức cuộc bầu cử để chọn ra Tổng thống. Chỉ còn vài ngày nữa cuộc đua giữa Hillary Clinton và Donald Trump sẽ ngã ngũ và dưới đây là 10 điều bạn cần biết để hiểu về cách thức chọn ra Tổng thống của người dân Mỹ.

Đại cử tri đoàn (Electoral College) là gì?

Tổng thống Mỹ được chọn thông qua một hệ thống phức tạp được gọi là “Đại cử tri đoàn” (Electoral College), thuật ngữ dùng để chi 538 đại cử tri cứ 4 năm họp lại 1 lần để bầu lên Tổng thống.

Những nhà lập quốc đã xây dựng nên hệ thống này để làm vừa lòng cả những người muốn một cuộc bầu cử toàn dân trực tiếp và những người muốn tự tay các nhà làm luật sẽ chọn lựa ra Tổng thống. Tuy nhiên, giáo sư Sandy Maisel của Colby College lại cho rằng đây là quá trình “phức tạp nhưng nhiều lỗ hổng và dễ gây hiểu nhầm”.

Trong bỏ phiếu phổ thông, mặc dù tên của các ứng viên Tổng thống xuất hiện trên lá phiếu bầu, thực chất về mặt kỹ thuật ngày bầu cử người dân Mỹ bình thường chỉ chọn ra ứng viên mà họ cho là sẽ nhận được lá phiếu từ đại cử tri của bang mình. Các đại cử tri thường là các lãnh đạo của đảng, những viên chức địa phương hoặc nhà hoạt động trước đó cam kết rằng mình sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên Tổng thống nhất định.

Số lượng đại cử tri ở mỗi bang tương đương với số lượng nhà lập pháp mà bang đó có trong Hạ viện (vốn được quyết định theo tỷ lệ dân số) cộng thêm 2 Thượng nghị sĩ. Tổng cộng cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri. Ứng viên giành số phiếu quá bán sẽ chiến thắng, vì thế 270 là con số quan trọng nhất đối với cuộc bầu cử.

Năm nay đâu là những bang quan trọng nhất?

Bang dao động (swing state) luôn là những bang có ý nghĩa lớn nhất đối với kết quả bầu cử. Thường thì mỗi bang sẽ chọn cho mình 1 đảng và sẽ dồn toàn bộ phiếu đại cử tri cho bang đó. Tuy nhiên, có những bang vẫn chưa nghiêng hẳn về bên nào. Đặc biệt trong cuộc bầu cử năm nay có nhiều bang dao động hơn bình thường. Hai bang dao động nhiều nhất và được nhắc đến nhiều nhất là Florida (với 29 phiếu đại cử tri) và Ohio (với 18 phiếu đại cử tri).

Ngoài ra North Carolina (15 phiếu) cũng là nơi thường xuyên rơi vào diện dao động. Bên cạnh đó còn có New Hamsphire (4 phiếu), Iowa (6 phiếu) và Nevada (6 phiếu).

Một trong những điều gây ngạc nhiên của mùa bầu cử năm nay là hai bang Arizona và Georgia cũng trở thành bang dao động dù có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa. Bà Clinton cũng có thể thua ở bang Texas (có 38 phiếu đại cử tri).

Bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất là California (55) nhưng đảng Dân chủ đang nắm chắc phần thắng.

Có thể thắng trong bỏ phiếu phổ thông nhưng lại thua cuộc vì có ít phiếu đại cử tri hơn?

Trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000, Al Gore giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng đối thủ George W Bush lại trở thành Tổng thống. Điều này cũng xảy ra với Andrew Jackson năm 1824, Samuel Tilden năm 1876 và Grover Cleveland năm 1888.

Tại sao cuộc bầu cử này lại phức tạp đến vậy?

Hiến Pháp Mỹ quy định một người chỉ cần có đủ 3 yếu tố để có đủ tư cách trở thành Tổng thống Mỹ: từ 35 tuổi trở lên, đã sống ở Mỹ ít nhất 14 năm và là một “công dân tự nhiên” (natural-born citizen), tức là được sinh ra tại một tiểu bang của nước Mỹ.

Tuy nhiên, để trở thành người đứng đầu cường quốc số 1 của thế giới thì không hề đơn giản. Nước Mỹ có cuộc bầu cử phức tạp nhất, đắt đỏ nhất và kéo dài nhất trên thế giới. Sau khi trải qua nhiều cuộc tranh luận, những cuộc bỏ phiếu kín, hàng loạt các cuộc bỏ phiếu ở nhiều cấp, ứng viên giành được nhiều phiếu nhất vẫn có thể thua cuộc.

Cơ chế bầu cử thông qua hệ thống cử tri đoàn xuất hiện như một sự thỏa hiệp. Trong đại hội lập hiến toàn quốc năm 1787, đoàn đại biểu bang Philadelphia phản đối việc Tổng thống được chọn ra bởi Quốc hội, bởi các thống đốc bang, bởi cơ quan hành pháp cấp bang hay trực tiếp bởi cử tri. Cuối cùng họ xây dựng hệ thống cử tri đoàn và cho phép các bang tự chọn phương pháp bầu đại cử tri của riêng mình.

Tại sao ngày bầu cử là thứ Ba, 8/11?

Cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức vào ngày thứ ba ngay sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 vì những lý do có từ thời Mỹ còn là một nước nông nghiệp. Năm 1845, Quốc hội Mỹ quyết định tổ chức bầu cử vào đầu tháng 11, khi đã thu hoạch mùa màng xong và trời đã vào đông nhưng thời tiết chưa phải là lạnh nhất.

Họ chọn ngày thứ ba vì muốn bầu cử diễn ra vào đầu tuần nhưng thường phải mất 1 ngày để cử tri tới nơi bỏ phiếu và các cử tri không muốn ngày Chủ nhật bị gián đoạn vì họ phải đi lễ nhà thờ. Thứ tư lại là ngày họp chợ ở nhiều thị trấn và cũng không phải là một thời điểm hợp lý để công việc bị gián đoạn.

Nếu cử tri không thể đến địa điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử thì sao?

Ngày càng có nhiều người Mỹ chọn đi bầu cử sớm để tránh cảnh đông đúc hoặc họ bận việc vào ngày bầu cử. Năm nay bang Minnesota là nơi bỏ phiếu đầu tiên, bắt đầu từ 23/9, trước ngày bầu cử tới 46 ngày.

Tổng cộng có 37 bang và District of Columbia (D.C) cho phép cử tri bầu sớm mà không phải giải thích lý do. Tính đến ngày 19/10, có 2,5 triệu người đã bỏ phiếu.

Các cử tri bỏ phiếu sớm có thể tự tay bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu hoặc yêu cầu lá phiếu của mình được gửi qua đường bưu điện.

Cử tri Mỹ không chỉ bầu Tổng thống?

Không chỉ riêng Tổng thống và phó Tổng thống, người Mỹ còn bầu 34 trong số 100 ghế ở Thượng viện và bầu tất cả 435 ghế trong Hạ viện. Ngoài ra họ còn bầu 12 thống đốc bang và các lãnh đạo khác của bang. Khoảng 80% số ghế trong 99 cơ quan lập pháp cũng được bầu.

Người Mỹ còn chọn ra các thành viên hội đồng thành phố và các thẩm phán. Tổng cộng có tới 510.000 vị trí cần bầu, dù không phải toàn bộ đều diễn ra vào ngày 8/11.

Tại 35 bang cử tri sẽ được thể hiện quan điểm của mình trong hơn 100 cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề chuyên sâu bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống, từ hợp pháp marijuana (lá của cây cần số), tăng lương tối thiểu đến siết chặt luật sở hữu súng.

Khi nào kết quả bầu cử chính thức được công bố?

Có độ trễ khoảng vài tuần giữa ngày bầu cử và ngày chính thức xác thực kết quả. Theo luật liên bang, các đại cử tri của mỗi bang phải tụ họp (thường là ở thủ phủ của bang) vào ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thứ 4 thứ hai của tháng 12.

Theo lịch năm nay ngày đó sẽ là 19/12. Ngày 6/1 ông Biden – người đang là Chủ tịch Thượng viện – sẽ thông báo kết quả kiểm phiếu đại cử tri và công bố người thắng cuộc. Tổng thống mới tuyên thệ tại lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1.

Điều gì xảy ra nếu không có ứng viên nào được 270 phiếu đại cử tri?

Tỷ số 269-269 nghe có vẻ phi lý nhưng không phải là không thể xảy ra. Hệ thống ban đầu chỉ có tổng cộng 535 phiếu đại cử tri, nhưng năm 1961 hiến pháp Mỹ được bổ sung tu chỉnh án thứ 23 và tính thêm 3 phiếu đại cử tri của District of Columbia, khiến tổng số phiếu đại cử tri là một số chẵn và do đó kết quả hòa có thể xảy ra nhưng cũng chưa bao giờ trường hợp này xảy ra.

Nếu kết quả hòa thì có thể coi Donald Trump đã giành chiến thắng. Nguyên nhân là vì nếu không có ứng viên nào đạt đa số phiếu đại cử tri, việc chọn ra Tổng thống sẽ được quyết định ở Hạ viện, mỗi đại biểu của 1 bang có 1 lá phiếu. Khi đó đảng Cộng hòa sẽ chiếm ưu thế. Trong khi đó Thượng viện sẽ quyết định người trở thành Phó Tổng thống.

Nếu đảng Dân chủ thắng ở Thượng viện nhưng thua ở Hạ viện, có thể sẽ có sự phân chia: Trump trở thành Tổng thống trong khi Phó tướng của bà Hillary Clinton là Tim Kaine trở thành Phó Tổng thống.

Ngoài ra còn có một trường hợp khác có thể xảy ra: đối thủ đến từ đảng thứ ba (ứng viên độc lập Evan McMullin hay ứng viên đảng Tự do Gary Johnson) – giành chiến thắng ở một bang (ví dụ như McMullin thắng ở Utah và có được 6 phiếu đại cử tri). Khi đó bà Hillary và ông Trump sẽ chia nhau số phiếu ít hơn và có thể xảy ra trường hợp không ai đạt đủ 270 phiếu. Một lần nữa Hạ viện sẽ quyết định ai là Tổng thống.

Điều này đã xảy ra 2 lần, vào năm 1800 và 1824, khi 4 ứng viên chia nhau số phiếu. Cuối cùng Hạ viện quyết định Thomas Jefferson làm Tổng thống năm 1800 và John Quincy Adams chiến thắng năm 1824.

Điều gì xảy ra nếu đại cử tri làm ngược lại cam kết đã đưa ra trước đó?

Ở Mỹ có khái niệm “faithless elector” – cử tri bất trung, nghĩa là cử tri phản lại đảng của mình để bầu cho ứng viên của đảng đối lập.

Theo FairVote, tổ chức kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử, kể từ khi hệ thống cử tri đoàn ra đời, đã có 82 đại cử tri thay đổi lá phiếu của mình theo quan điểm cá nhân, phản bội đảng của mình. Thậm chí năm 2004, một cử tri cam kết bỏ phiếu cho ứng viên John Kerry của đảng Dân chủ nhưng lại nhầm lẫn và bỏ phiếu cho người khác.

Năm 2000, đại cử tri Barbara Lett-Simmons đến từ D.C của đảng Dân chủ đã không bỏ phiếu bầu ra Tổng thống để phản đối việc Washington DC không có đại diện trong Quốc hội. Tháng 8 vừa qua, Baoky Vu, một cử tri của đảng Cộng hòa ở Georgia, tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho Trump và sau đó đã từ chức.

29 bang có quy định hình phạt dành cho cử tri bất trung.

Cuộc bầu cử có thể bị thâu tóm?

Trước đây không ai chú ý đến câu hỏi này, nhưng Trump đã khiến nó trở thành vấn đề thu hút được nhiều sự chú ý khi liên tục phàn nàn rằng đảng Dân chủ có kế hoạch thâu tóm cuộc bầu cử. Những lời nói của ông cuối cùng đã có tác dụng: 30% người dân Mỹ nói rằng họ không còn quá tin tưởng vào sự chính xác của quá trình kiểm phiếu như đã từng.

Các chuyên gia thì cho rằng điều này là không thể, một phần bởi vì quá trình bầu cử và kiểm phiếu không chỉ được quản lý bởi một bên. Thay vào đó, chính quyền các bang chịu trách nhiệm về khâu đăng ký đi bỏ phiếu, kiểm tra hệ thống bỏ phiếu, đào tạo đội ngũ nhân sự phục vụ bầu cử và đảm bảo rằng mọi thứ đều được tiến hành đúng luật. Tuy nhiên, hồi tháng 8 một số quan chức chính phủ tiết lộ rằng các hacker người Nga đã nhắm đến hệ thống đăng ký thông tin của bang Arizona và cơ sở dữ liệu của bang Illinois cũng gặp nguy hiểm.

Thu Hương

FT

Trở lên trên