MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội đồng thẩm định thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII, 'mở' cơ hội cho điện gió và nguồn nguyên liệu mới

Nguồn: VGP

Nguồn: VGP

Vào ngày 26/4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII), quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ lần 1 tại ngày 26/3/2021. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ lưỡng đã cho thấy một số vấn đề còn bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn cũng như một số vấn đề về cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện,...

Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII nhằm khắc phục cho được các bất cập còn tồn tại cũng như bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".

Trong quá trình xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hơn 20 cuộc họp và làm việc để góp ý, hoàn thiện Quy hoạch. Thường trực Chính phủ cũng đã có Kết luận về dự thảo Quy hoạch Điện VIII với nhiều chỉ đạo quan trọng.

Cơ hội cho điện gió và nguồn nguyên liệu mới rộng mở

TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cho biết, Quy hoạch Điện VIII được xây dựng rất kỹ, hết sức cẩn thận, đến giờ đã là phương án thứ 6. Phiên bản tháng 4/2022 có thêm 2 kịch bản mới, trong đó có kịch bản chuyển đổi năng lượng để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải.

Theo ông Kiệt, đây là kịch bản mang tính đột phá, đã tính toán kỹ khả năng các nguồn năng lượng sơ cấp mà Việt Nam có thể tận dụng được. Quy hoạch đã cập nhật dữ liệu về điện gió gần bờ, xa bờ,... Song, vị chuyên gia cho rằng, các dữ liệu cần dựa trên khảo sát, đánh giá riêng, chứ không chỉ cập nhật con số của các tổ chức quốc tế.

Ủy viên phản biện, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương đánh giá, việc cập nhật cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã mở cơ hội cho điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi phát triển.

Tuy nhiên, ông Lương cho rằng, Việt Nam cần sớm quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2045 về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và năng lượng đại dương một cách bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Quy hoạch đã tính toán phương án thay thế đối với các dự án điện than, các dự án điện khó triển khai thực hiện,... Quy hoạch lần này cũng cơ bản đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền; cân đối giữa các nguồn điện để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì các nguồn điện khác.

"Quy hoạch cơ bản không phát triển hệ thống truyền tải liên miền đến năm 2030. Đồng thời 'mở' cho các nguồn nguyên liệu mới như hydro, amoniac...", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu.

Hội đồng thẩm định thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII, mở cơ hội cho điện gió và nguồn nguyên liệu mới - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng nhận định, tới thời điểm hiện nay, Quy hoạch Điện VIII đã đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây. Nguồn: VGP

Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022

Sau phần trao đổi, thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá về Quy hoạch với đa số phiếu nhất trí thông qua Quy hoạch Điện VIII.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với đánh giá của Hội đồng thẩm định. Theo đó, Quy hoạch Điện VIII bám sát Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; gắn liền với các cam kết liên quan đến chuyển dịch năng lượng theo tinh thần cam kết tại Hội nghị COP 26.

Phó Thủ tướng nhận định, tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định Quy hoạch Điện VIII đạt được các mục tiêu, khắc phục được một số tồn tại trước đây. Trong đó, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án trước. Theo Phó Thủ tướng, nếu giữ nguyên tổng quy mô như trước thì mức đầu tư sẽ lớn, dàn trải.

Bên cạnh đó, Quy hoạch lần này đã khắc phục các vấn đề về cơ cấu nguồn điện, giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo.

Theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch có sự đổi mới tư duy, cách làm khi Quy hoạch này liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, với mong muốn giữ lại nhiều dự án trong Quy hoạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xây dựng Quy hoạch là đặt lợi ích chung lên trên hết, "tiết kiệm hàng chục tỷ USD, việc giảm đầu tư đường dây, giảm chi phí vận chuyển sẽ giúp giảm giá thành điện".

Sau khi Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 5/2022.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch; việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.

"Tuyệt đối không được biến Quy hoạch thành một nhóm cơ chế, chính sách. Các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rà soát thật kỹ dự thảo Quy hoạch, dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch của Thủ tướng, đảm bảo không lồng ghép bất kỳ cơ chế, chính sách nào ngoài các quy định hiện hành của pháp luật", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

https://cafef.vn/hoi-dong-tham-dinh-thong-qua-du-thao-quy-hoach-dien-viii-mo-co-hoi-cho-dien-gio-va-nguon-nguyen-lieu-moi-20220427045628153.chn

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên