Hôm qua là "ngày thứ hai đen tối" trên thị trường tài chính Trung Quốc
Giới phân tích có một danh sách dài những lý do để giải thích cho cơn bán tháo đồng loạt này, từ việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump hoài nghi về chính sách Một Trung Quốc đã được duy trì hàng chục năm nay cho đến đà tăng của lãi suất trên thị trường tiền tệ và những lo ngại về giá bất động sản.
- 08-12-2016Nhân dân tệ mất giá, dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm liên tục
- 05-12-2016Nhân dân tệ giảm giá vì ông Trump "mắng" Trung Quốc trên Twitter
- 29-11-2016Trung Quốc rút 10 tỷ nhân dân tệ ra khỏi thị trường tài chính
Tình trạng bất ổn một lần nữa lại lan tỏa trên thị trường tài chính Trung Quốc.
Đóng cửa phiên hôm qua (12/12), chỉ số Shanghai Composite giảm 2,5%, mạnh nhất trong 6 tháng trở lại đây. ChiNext – chỉ số gồm cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa nhỏ hơn giao dịch trên sàn Thâm Quyến – giảm 5,5%.
Đồng nhân dân tệ chạm đáy thấp nhất 8 năm trong khi trái phiếu các kỳ hạn giảm giá mạnh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm do Chính phủ Trung Quốc phát hành tăng vọt 15 điểm cơ bản.
Chỉ số Shanghai Composite và đồng nhân dân tệ đồng loạt giảm, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.
Giới phân tích có một danh sách dài những lý do để giải thích cho cơn bán tháo đồng loạt này, từ việc Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump hoài nghi về chính sách Một Trung Quốc đã được duy trì hàng chục năm nay cho đến đà tăng của lãi suất trên thị trường tiền tệ và những lo ngại về giá bất động sản.
Nỗi lo ngại bong bóng trên thị trường bất động sản sắp đổ vỡ khiến cổ phiếu các công ty xây dựng là nhóm giảm điểm mạnh nhất. Thêm vào đó China City Construction Holding Group, tập đoàn xây dựng có trụ sở ở Bắc Kinh, đang đứng bên bờ phá sản sau khi không thể hoàn trả số nợ trái phiếu đáo hạn thứ sáu tuần trước.
Theo Chen Li – chuyên gia đến từ ngân hàng Credit Suisse Hồng Kông, TTCK giảm điểm là “kết quả của sự cộng hưởng từ nhiều sự kiện xảy ra trên thị trường tài chính Trung Quốc: lãi suất trái phiếu tăng, đồng nhân dân tệ giảm giá và các quy định siết chặt hoạt động của các quỹ bảo hiểm”.
Giới chức Trung Quốc đang có những động thái nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến các thương vụ mua bán của các tập đoàn bảo hiểm Trung Quốc.
Chen cũng lưu ý nỗi lo về thanh khoản trên thị trường tài chính Trung Quốc, không chắc rằng thị trường thanh khoản thấp là do các yếu tố mùa vụ hay do chính sách của Chính phủ. Chuyên gia này dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm điểm trong 1 tuần nữa.
Những diễn biến của thị trường tài chính Trung Quốc trong phiên hôm qua khiến người ta nhớ lại thời điểm đầu năm 2016, khi các chỉ số giảm mạnh. Tuy nhiên nhìn lại cả năm qua thì thị trường này đã khá bình yên dù đồng nhân dân tệ đi xuống.
Tất cả là nhờ những nỗ lực can thiệp của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm bớt độ biến động và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng đến tháng 12, Chính phủ Trung Quốc lại đang gặp thử thách trong bối cảnh dòng vốn bị rút ra ngày càng mạnh do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Mỹ và những tuyên bố của Donald Trump về thương mại cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Đang trong quá trình chuyển giao quyền lực, Trump đã phá vỡ các nghi thức ngoại giao bằng cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, người đứng đầu Đài Loan (Trung Quốc). Khi phía Trung Quốc lên tiếng phàn nàn, Trump lại trả lời phỏng vấn của tờ Fox News rằng các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, không có quyền quyết định ông nên nói chuyện với ai.
Theo Ken Peng – chuyên gia đến từ Citigroup Global Markets, những bình luận về Trung Quốc của Donald Trump làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Do đó đồng nhân dân tệ phải chịu sức ép từ những bình luận này.