MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 1/4 chuyến bay của hàng không Việt bị "delay"

Tính bình quân chung tỉ lệ cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không trong 9 tháng năm 2024 chỉ đạt 74,2%, thấp hơn so với những năm trước.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng đã qua của năm nay, các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Vasco, Pacific Airlines), Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines đã khai thác tổng số 194.027 chuyến bay.

Hơn 1/4 chuyến bay của hàng không Việt bị "delay"- Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục bay. Ảnh: Phan Công

Trong số này, Vietnam Airlines có 83.552 chuyến bay và tỉ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ chiếm 83%. Vietjet Air khai thác tổng số 83.326 chuyến bay với tỉ lệ đúng giờ 63%. Bamboo Airways khai thác 13.064 chuyến với tỉ lệ đúng giờ 82,8%.

Vietravel khai thác 4.910 chuyến với tỉ lệ đúng giờ 81,5%.VASCO khai thác 5.461 chuyến bay với tỉ lệ đúng giờ 85%, là hãng bay đúng giờ nhất trong các hãng bay nội địa.

Như vậy, tính bình quân chung tỉ lệ cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không đạt 74,2%, theo Cục Hàng không Việt Nam.

Trong 9 tháng qua, số chuyến bay chậm (delay) chiếm tỉ lệ khá cao với 25,8% (tương đương 50.031/194.027 chuyến bay).

Trong đó, số chuyến bay bị delay của Vietnam Airlines là 14.212 chuyến (chiếm 17% tổng số chuyến bay hãng khai thác); Vietjet Air có 30.818 chuyến bay bị trễ giờ (chiếm 37%); Bamboo Airways có 2.250 chuyến (17,2%); Vietravel 908 chuyến (18,5%); Pacific Airlines 1.050 chuyến (28,3%); VASCO có 793 chuyến trễ (chiếm 14,5%).

Máy bay về muộn là nguyên nhân chính dẫn đến delay với tỉ trọng 59,4% và hãng hàng không chiếm tỉ trọng 29,3%.

Riêng trong tháng 9, các hãng bay Việt Nam đã khai thác 17.720 chuyến, giảm nhiều so với tháng trước đó, với tỉ lệ cất cánh đúng giờ đạt 76,6%. Các chuyến bay bị chậm cũng đạt con số 4.142 chuyến, chiếm tỉ lệ 23,4.

Hơn 1/4 chuyến bay của hàng không Việt bị "delay"- Ảnh 2.

Nguyên nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất gây ra chậm chuyến bay là do máy bay về muộn. Điều này cũng phản ánh thực tế, trong trường hợp máy bay về muộn sẽ tác động đến không chỉ các chuyến bay kế tiếp của hãng, mà có thể đến cả các chuyến bay của các hãng khác tại cảng, do tính chất dây chuyền trong khai thác hàng không.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, yếu tố chính gây ra việc các chuyến bay khai thác không đúng giờ làm tăng tỉ lệ chậm chuyến xuất phát từ việc lực lượng vận tải cũng như quy mô đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến tải cung ứng trên các đường bay của các hãng giảm mạnh.

Ngành hàng không đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác máy bay, giảm thời gian quay đầu máy bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay vào khung giờ chiều và tối.

Hiện nay, thời gian khai thác trung bình của các hãng hàng không đều đã tăng cao hơn so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thời gian khai thác trung bình đội máy bay của Vietnam Airlines đạt 13 giờ/máy bay/ngày, tăng 22% so với năm 2023; thời gian khai thác trung bình đội máy bay của Vietjet Air đạt 14,5 giờ/ngày, tăng 11,5%; con số này của Vietravel Airlines là 11,5 giờ/ngày, tăng 21%; Bamboo Airways có thời gian khai thác trung bình đội máy bay của hãng đạt 12,5 giờ/ngày, tăng 20,1%.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng phải đối mặt những nhược điểm và hạn chế là tình trạng máy bay gặp vấn đề về kỹ thuật và chậm hủy chuyến có thể gia tăng. Cục Hàng không đã chỉ đạo các hãng tăng cường công tác, kiểm tra bảo dưỡng đội máy bay trước và trong giai đoạn cao điểm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất trong công tác phục vụ chuyến bay...

Thời gian tới, các hãng dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm và có kế hoạch thuê các máy bay bổ sung đội máy bay hiện có, sẽ giảm áp lực về tải cung ứng trên các đường bay hiện hữu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

Trở lên trên