Hơn 131 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới, Hàn Quốc trước nguy cơ bùng phát dịch lần 4
Hiện hơn triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Đến sáng 4/4, thế giới có trên 131,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,8 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
- 01-04-2021Nhờ Covid-19, kinh tế Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ?
- 31-03-2021Chính phủ đầu tiên ở EU đổ vỡ vì Covid-19: Thỏa thuận mật với Nga làm Thủ tướng Slovakia mất ghế
- 30-03-2021Thái Lan cho khách quốc tế đã tiêm vắc xin Covid-19 vào Phuket mà không cần cách ly
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 31,3 triệu ca mắc và gần 568.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 56.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 12,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 328.300 trường hợp thiệt mạng. Ngày 3/4, Brazil không ghi nhận trường hợp nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo gần 93.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 12,4 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 164.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Cùng ngày, Pháp cũng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp có trên 4,7 triệu người nhiễm bệnh, mức cao thứ tư thế giới, hơn 96.200 trường hợp tử vong.
Ngày 3/4, Brazil và Pháp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)
Ukraine ghi nhận trên 20.300 ca nhiễm mới trong ngày 3/4, mức tăng trong ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 1,7 triệu trường hợp, trong đó có 34.075 bệnh nhân tử vong. Quốc gia này đang siết chặt các biện pháp hạn chế tại những vùng chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng sau thời gian tạm lắng vào mùa đông.
Ukraine đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) nhằm phục vụ cho chương trình tiêm chủng của nước này. Đến nay, chương trình tiêm vaccine của Ukraine vẫn phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ. Tháng 3/2021, Ukraine đã tiếp nhận lô vaccine COVID-19 của Sinovac đầu tiên gồm 215.000 liều, tuy nhiên việc sử dụng vaccine này bị tạm hoãn do nhà cung cấp địa phương chưa cung cấp các giấy tờ cần thiết và cần kiểm tra thêm trong phòng thí nghiệm.
Chính phủ Campuchia đã quyết định đưa các lao động phi chính thức như lái xe taxi, người bán hàng rong và lái xe vận tải vào nhóm ưu tiên tiêm chủng vaccine COVID-19. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, 400.000 liều vaccine của hãng Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ được phân bổ để tiêm cho những người có nguy cơ phơi nhiễm cao trong khu vực kinh tế phi chính thức. Campuchia hiện đang triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Nước này dự kiến tiêm chủng ít nhất 10 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm nay. Campuchia đã có hơn 2.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 19 trường hợp tử vong.
Hàn Quốc đang xem xét cho phép người dân sử dụng bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19. Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm tăng đáng kể năng lực xét nghiệm trong bối cảnh các ca lây nhiễm đang gia tăng ở nước này. Tuy nhiên, một số cơ quan y tế tỏ ra thận trọng đối với các thiết bị chẩn đoán nhanh COVID-19 vì lo ngại, độ chính xác tương đối thấp của chúng có thể làm tăng xác suất chẩn đoán sai. Kể từ ngày 31/3 đến nay, đã có 4 ngày liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới theo ngày vượt qua con số 500 ca, làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ tư. Với 542 ca mắc mới trong ngày 3/4, hiện Hàn Quốc xác nhận trên 104.700 người nhiễm, hơn 1.700 trường hợp thiệt mạng.
Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ tư. (Ảnh: AP)
Tại Nhật Bản, số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại tại một số địa phương. Chính phủ nước này cam kết sẽ nỗ lực hết mình nhằm ngăn tái bùng phát lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Tokyo. Ba tỉnh có số gia tăng trở lại là Osaka, Hyogo và Miyagi. Trong đó, số ca nhiễm tại Osaka tăng nhanh chỉ trong một tháng sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Do đó, không loại trừ thủ đô Tokyo cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự. Tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo được dỡ bỏ cách đây gần 2 tuần. Bộ trưởng Bộ Y tế Tamura khẳng định, trong trường hợp bùng phát lây nhiễm lan rộng ra cả nước, Chính phủ sẽ không ngần ngại tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Philippines trong 24 giờ qua có thêm hơn 12.500 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao thứ hai, nâng tổng số ca bệnh lên trên 784.000 trường hợp, trong đó có 13.423 người tử vong. Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế siết chặt ở vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận thêm ít nhất 1 tuần. Theo đó, các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm đối với hoạt động di chuyển không thiết yếu, các cuộc tụ tập đông người và ăn tối ở nhà hàng... sẽ có hiệu lực thêm ít nhất 1 tuần nữa. Những biện pháp này được gia hạn trước khi sắp hết hiệu lực vào ngày 4/4.
VTV