MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 134.000 lao động trở lại TPHCM làm việc

Hơn 134.000 lao động trở lại TPHCM làm việc

Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo thông tin công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết hiện có khoảng 134.850 người lao động quay trở lại làm việc.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, tính đến 18 giờ ngày 17/10, TPHCM có 418.269 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 417.770 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 499 trường hợp nhập cảnh.

Thành phố đang điều trị 11.531 bệnh nhân, trong đó có 902 trẻ em dưới 16 tuổi, 404 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 17/10, có 640 bệnh nhân nhập viện, 664 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 241.461 người).

Đáng chú ý, số bệnh nhân nặng, thở máy giảm rõ rệt, số ca nhập viện cũng ngày càng giảm và luôn thấp hơn số ca xuất viện.

Đến ngày 17/10, tổng số mũi tiêm vaccine đã triển khai tại TPHCM là 12.641.878. Trong đó, số mũi 1 là 7.116.611 và mũi 2 là 5.475.267.

Tính từ ngày 15/8 đến 18/10, Thành phố đã chuyển đến các quận, huyện và TP. Thủ Đức 2.124.694 túi an sinh.

Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, theo ông Hải, ngày 14/10, Bộ Y tế có văn bản về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Thực hiện văn bản này, Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình gửi UBND Thành phố. Tuy nhiên, hiện chưa có kế hoạch. Sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn, như tiêm vaccine loại nào, vào thời điểm nào… thì Sở Y tế TPHCM mới tiếp tục triển khai.

Trả lời câu hỏi khi nào TPHCM cho phép hàng quán mở cửa bán tại chỗ, ông Hải cho rằng người dân hiện đều mong muốn hàng quán mở lại và bán cho khách ăn uống tại chỗ như điều kiện bình thường. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 18, TPHCM chỉ cho phép hàng quán phục vụ bán mang về. Do đó, nếu nơi nào mở cửa và bán cho khách sử dụng tại chỗ là chưa đúng quy định.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM thông tin, từ ngày 13/10, có 15 tỉnh, thành phố thống nhất phương án vận tải liên tỉnh nhưng chỉ có 10 tỉnh, thành phố đưa vào hoạt động. Tổng số chuyến đã hoạt động là 159 với tổng số 1.499 hành khách đến và đi. Tất cả xe xuất bến đều được kiểm tra, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch của TPHCM.

Tuy nhiên, có một nhà xe trên tuyến đi Đắk Lắk vi phạm trong việc đón khách dọc đường. Khi kiểm tra phát hiện có hành khách dương tính. Do đó, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu trong điều kiện phòng chống dịch, đơn vị vận tải và tài xế phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch để việc vận tải tạo thuận lợi cho người dân.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, theo số liệu từ các khu chế xuất, khu công nghệ cao, hiện có khoảng 134.850 người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra, có hơn 5.000 người lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp.

Theo ông Lâm, trước đó, TPHCM đã có văn bản hướng dẫn phương thức đón người quay trở lại Thành phố làm việc. Dự kiến trong thời gian tới, số lượng lao động ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên trở lại sẽ nhiều hơn.

Người lao động trở lại thường là theo lời mời công ty cũ hoặc muốn tìm việc làm mới. TPHCM hiện có 127 tổ chức giới thiệu việc làm. Sở đang khảo sát và lập danh sách cụ thể nhu cầu người tìm việc, việc tìm người để các đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Về việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Lâm cho hay, TPHCM đã hỗ trợ hơn 5 triệu trường hợp. Theo kế hoạch, việc chi trả sẽ kết thúc ngày 15/10, tuy nhiên đến nay, vẫn còn khoảng trên 2 triệu người chưa nhận chi trả hỗ trợ. Số này hầu hết là người kê khai nhưng không có mặt ở địa phương, người ở khu cách ly… Do đó, Thành phố sẽ kéo dài thời điểm kết thúc chi trả hỗ trợ đến ngày 22/10.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP. Thủ Đức về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Văn bản hướng dẫn cách tính các tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch dựa trên 3 tiêu chí: Số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vaccine và tiêu chí bảo đảm khả năng chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng.

Các địa phương phải đánh giá cấp độ dịch vào thứ 6 hằng tuần. Ngay sau khi có kết quả đánh giá, các địa phương phải gửi báo cáo kèm theo kế hoạch can thiệp đối với các địa bàn có cấp độ dịch diễn tiến theo chiều hướng xấu về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, đồng thời gửi báo cáo công bố kết quả vào thứ hai hằng tuần.

Theo Mạnh Hùng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên