Hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào startup năm 2021
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng trong năm 2021, hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đã đổ vào các startup của Việt Nam. Hiện, cả nước có 3 kỳ lân công nghệ là VNG, VNPAY và Momo.
- 17-08-2022Cựu CEO Grab Việt Nam và VinID: Startup robot của tôi rủi ro, tốn kém nhưng đáng để làm
- 15-08-2022Shark Hùng Anh đề nghị rót 10 tỷ để “nuôi” một startup môi giới BĐS
- 14-08-2022Startup Hàn Quốc tham vọng thành 'Amazon của dịch vụ gia đình', muốn mở rộng sang Việt Nam
Việt Nam có 3 "kỳ lân" công nghệ
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, từ khi triển khai Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia vào năm 2016 đến nay, Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp kém năng động đã vươn lên vị trí thứ ba thu hút đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong 6 quốc gia lớn ASEAN (chỉ sau Singapore và Indonesia).
Năm 2021, trên 1,5 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các dự án khởi nghiệp, cao nhất từ trước tới nay. Cả nước hình thành được 3 doanh nghiệp "kỳ lân" công nghệ (doanh nghiệp có định giá trên 1 tỷ USD) là VNG, VNPAY và Momo.
Tính đến nay, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 138 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ khai mạc chương trình Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2022. Ảnh: Nguyễn Tri
"Hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ, quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cơ bản đã được hoàn thiện tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn", ông Tùng cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, trong bối cảnh mới, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Quốc gia nói chung và của vùng, địa phương nói riêng cần phải xác định được vai trò dẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc hơn.
Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.
Trong những năm tới đây, việc liên kết, hình thành, phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo ngay tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu sẽ là những trụ cột chính để nâng đỡ, khuyến khích liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia.
"Tăng cường liên kết viện - trường - doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và khai thác, vận dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ sẽ là cốt lõi để hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có đủ sức mạnh vệ trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá trong tương lai", ông Tùng chia sẻ.
Con người là nòng cốt
Tại chương trình, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh của vùng, các doanh nghiệp khởi nghiệp nội tại được ươm tạo dựa trên tiền đề là các trường đại học, các viện nghiên cứu đóng tại địa phương.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh của vùng. Ảnh: Nguyễn Tri
Đồng thời, tỉnh cũng là địa điểm thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp từ các địa phương khác trong vùng, trong cả nước và thậm chí trên thế giới nhờ sở hữu một môi trường và địa điểm làm việc lý tưởng.
Hiện, Khánh Hòa đã hình thành Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp (thuộc VCCI Khánh Hòa); Trung tâm giáo dục tổng quát và đổi mới sáng tạo (thuộc Đại học Thái Bình Dương); Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp (thuộc Đại học Nha Trang).
"Tỉnh kỳ vọng chương trình Techfest Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022 sẽ tạo cú hích bứt phá cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Đồng thời, tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với các tầng lớp nhân dân; thúc đẩy được liên kết các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các địa phương trong Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên…", ông Hoàng nói.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, nền tảng cốt yếu của mọi hệ sinh thái đầu tiên phải nền tảng nguồn lực con người, đặc biệt là các chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên, giảng viên chuyên nghiệp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để tạo lập ra những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, cần phải bắt đầu nuôi dưỡng từ những ý tưởng, mô hình nhỏ nhất.
Máy thu gom chai nhựa thông minh của sinh viên Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Nha Trang). Ảnh: Nguyễn Tri
Tiếp theo, phải phát triển, huy động các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả từ khu vực công và khu vực tư nhân.
Cuối cùng, cần thu hút sự tham gia các doanh nghiệp đã trưởng thành, các hiệp hội doanh nghiệp với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa các địa phương, giữa các vùng, liên kết giữa trung ương - địa phương, liên kết, hợp tác quốc tế... học tập, nhân rộng chính những mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đã có hiệu quả trong vùng, trong nước, của quốc tế.
"Mong rằng Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ lựa chọn được những dự án tốt nhất của khu vực để tiến tới tranh tài tại Cuộc thi Techfest Quốc gia, đồng thời, tham gia tích cực hơn nữa vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tự tin vững bước trở thành những đối tác cho chính quyền, cho doanh nghiệp không chỉ tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mà còn vươn xa khắp cả nước và phát triển ra ngoài lãnh thổ Việt Nam", ông Tùng nói thêm.
Nhà đầu tư