Hơn 200 căn bệnh có thể lây lan qua thực phẩm, đây là 10 điều mà WHO muốn bạn biết
Mất vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra cái chết của hơn 420.000 người mỗi năm.
- 04-08-2018Nhật Bản: 8 bệnh nhân tử vong do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm
- 03-08-2018Ăn xong vội vã làm 6 việc này, chính bạn đã tự rước bệnh nguy hiểm vào người mà không biết
- 03-08-2018Cục Quản lý dược: Vaccin phòng bệnh dại do Trung Quốc sản xuất không liên quan đến bê bối vaccin
Ít nhất một lần trong đời, hầu như tất cả chúng ta sẽ mắc một bệnh nào đó liên quan đến thực phẩm. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn vệ sinh, nhằm đảm bảo thức ăn của chúng ta không bị nhiễm vi khuẩn , ký sinh trùng, virus, chất độc hay hóa chất gây hại.
Sự thật là thực phẩm có thể bị ô nhiễm tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sản xuất, phân phối và chế biến. Bởi vậy, cả nhà sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng đều có trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm thực phẩm có tác động sâu sắc đến nhiều khía cạnh, không chỉ sức khỏe cá nhân, cộng đồng, mà còn làm suy yếu xuất khẩu thực phẩm, du lịch, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người kinh doanh thực phẩm và phát triển kinh tế ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Dưới đây là 10 sự thật về vệ sinh an toàn thực phẩm mà WHO nghĩ rằng mọi người nên biết:
1.Có tới hơn 200 căn bệnh có thể lây lan qua thức ăn
Mỗi năm trên thế giới, cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh vì ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Trong số đó, có khoảng 420 000 bệnh nhân tử vong. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhất, với khoảng 125 000 trẻ em tử vong mỗi năm vì các bệnh do thực phẩm.
Đáng tiếc, tất cả đều là những ca tử vong có thể phòng tránh được, thông qua việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Thực phẩm mất vệ sinh có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài
Bạn đừng nghĩ rằng ăn thực phẩm mất vệ sinh cùng lắm chỉ gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Sự thật là thực phẩm nhiễm kim loại, các hóa chất hoặc thậm chí là độc tố tự nhiên có thể còn gây ra các vấn đề lâu dài, bao gồm cả ung thư và bệnh thần kinh.
3. Có một số nhóm dân số bị ảnh hưởng nặng nề hơn các nhóm dân số khác
Nhiễm trùng gây ra bởi thực phẩm mất vệ sinh gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều trong các nhóm dân số có tình trạng sức khỏe kém. Trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người đã mắc một bệnh trước đó và người già là những đối tượng dễ nhiễm bệnh và có tỷ lệ tử vong cao nhất.
4. Có rất nhiều nguy cơ khiến thực phẩm bị mất vệ sinh
Chuỗi cung ứng thực phẩm ngày nay rất phức tạp, bao gồm một loạt các giai đoạn khác nhau như: sản xuất nông nghiệp, giết mổ hoặc thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối trước khi thực phẩm đến được tay người tiêu dùng.
Trong bất cứ bước nào, ô nhiễm thực phẩm cũng có thể diễn ra.
5. Toàn cầu hóa khiến vấn đề an toàn thực phẩm phức tạp hơn và cần được chú trọng
Toàn cầu hóa trong sản xuất và thương mại thực phẩm đang làm cho chuỗi cung ứng ngày càng dài hơn. Một mặt, nó tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, khi dịch bệnh do thực phẩm xảy ra, cũng khó hơn để điều tra và thu hồi các sản phẩm trong trường hợp khẩn cấp.
6. Một số vi khuẩn có hại đang trở nên kháng thuốc
Kháng kháng sinh là một vấn đề sức khỏe toàn cầu vô cùng nhức nhối hiện nay. Lạm dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp và chăn nuôi, bên cạnh sử dụng quá mức thuốc kháng sinh trên người là một trong những yếu tố dẫn đến sự xuất hiện và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc. Vi khuẩn kháng kháng sinh ở động vật có thể lây truyền sang người qua thức ăn.
7. An toàn thực phẩm đòi hỏi nỗ lực đa ngành
Để cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều chuyên gian trong các lĩnh vực khác nhau đang phải làm việc cùng nhau với những công nghệ và khoa học tốt nhất hiện nay. Các cơ quan của chính phủ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế công cộng, nông nghiệp, giáo dục và thương mại, cần cộng tác và trao đổi thường xuyên với nhau và tham gia với xã hội dân sự bao gồm cả người tiêu dùng.
8. Mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội nói chung
Mất vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động sâu rộng, vượt ra ngoài hậu quả để lại trên sức khỏe từng cá nhân và cộng đồng - nó làm suy yếu xuất khẩu thực phẩm, du lịch, sinh kế của người kinh doanh thực phẩm và phát triển kinh tế, cả ở các nước phát triển và đang phát triển.
9. Mọi người đều có vai trò trong việc giữ an toàn vệ sinh thực phẩm
An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung giữa các chính phủ, ngành công nghiệp, nhà sản xuất và cả người tiêu dùng. Mọi người đều có một vai trò trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn. Đạt được an toàn thực phẩm là một nỗ lực đa ngành đòi hỏi chuyên môn từ một loạt các ngành khác nhau - độc học, vi sinh vật, ký sinh trùng, dinh dưỡng, kinh tế y tế, dược phẩm cả cho thú y và con người.
10. Người tiêu dùng nên được giáo dục đầy đủ về thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm
Người dân có quyền được biết những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chọn thực phẩm an toàn và thông minh. Mọi người cũng phải được cảnh báo về các nguy cơ liên quan đến thực phẩm phổ biến và cách xử lý thực phẩm an toàn.
Tham khảo WHO
Trí thức trẻ