Hơn 40 hãng xe chạy đua giảm giá, thiên đường ô tô lớn nhất thế giới sụt giảm doanh số tháng thứ 2 liên tiếp, cuộc đua vẫn chưa đến hồi kết
Ảnh minh họa
Đây cũng là thị trường ghi nhận cạnh tranh giá gay gắt nhất hiện nay với người khơi mào không ai khác là Tesla.
- 08-08-2023Chỉ trong nửa đầu năm, Trung Quốc chi hơn 240 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, là "cứu tinh" cực quan trọng với nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới
- 08-08-2023Xuất khẩu “vàng đen” của Việt Nam sang một quốc gia châu Âu bất ngờ tăng hơn 21.000% chỉ trong nửa đầu năm
- 06-08-2023Nhờ Nga và châu Âu, quốc gia này chính thức vượt Nhật Bản trở thành cường quốc ô tô của thế giới, xuất khẩu hơn 2 triệu chiếc trong nửa đầu năm
Doanh số bán xe thương mại của Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng 7, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận suy giảm do chính sách giảm giá và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng mua ô tô trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái “ảm đạm”. Các nhà sản xuất ô tô cũng lo ngại về sự suy giảm nhu cầu khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mất đi sức bật sau đại dịch.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc (CPCA), doanh số bán ô tô đạt 1,79 triệu chiếc trong tháng 7, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,9% so với tháng 6/2023. Tuy nhiên điểm sáng của thị trường là tính chung trong 7 tháng đầu năm, doanh số vẫn tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 lên 11,44 triệu chiếc.
Các nhà sản xuất đang ngày càng kỳ vọng vào thị trường nước ngoài khi doanh số trong nước sụt giảm nhưng xuất khẩu lại tăng 63% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 56% trong tháng 6.
Sự cạnh tranh trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới của Trung Quốc ngày càng gay gắt khi các nhà sản xuất ô tô phải vật lộn với nhu cầu suy yếu, cạnh tranh về giá ngày càng sâu sắc. Vào đầu năm nay, Tesla đã khơi mào cuộc đua giảm giá và thu hút hơn 40 thương hiệu Trung Quốc tham gia vào cuộc đua này. Cuộc đua vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại với GM và Volkswagen vừa thực hiện một đợt giảm giá vào tháng 7 vừa qua.
Ông Cui Dongshu, Tổng thư ký CPCA cho biết, các nhà sản xuất ô tô dự kiến sẽ tiếp tục giảm giá cho các sản phẩm ở một số phân khúc để thu hút khách hàng.
Các phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV) vốn là nền tảng cho tăng trưởng doanh số bán ô tô của Trung Quốc, cũng đang mất đà. Doanh số bán xe NEV, bao gồm xe điện chạy hoàn toàn bằng pin (EV) và xe hybrid cắm điện, đã tăng 31,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, chiếm 35,8% tổng doanh số bán ô tô. Phân khúc này ghi nhận doanh số giảm 3,6% trong tháng 7 so với tháng 6.
Báo cáo “Triển vọng xe điện toàn cầu năm 2023” cho thấy, phần lớn doanh số bán xe điện toàn cầu hiện đang tập trung ở ba thị trường lớn là Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Các khu vực khác cũng đang cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2022, doanh số bán xe năng lượng mới tại 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam đã vượt 51.000 chiếc, tăng khoảng 219% so với năm 2021.
Theo Reuters
Nhịp sống thị trường