Hơn 46.000 lao động Việt Nam đang ‘làm việc chui’ ở nước ngoài
Việt Nam có hơn 700.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng, trong đó có hơn 46.000 người bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước tới làm việc, nhiều nhất tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong số lao động bỏ trốn này, nhiều người vi phạm pháp luật nước sở tại như trộm cắp, nấu rượu lậu...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản trả lời chất vấn của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình liên quan tới lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (lao động xuất khẩu).
Việt Nam có hơn 712.600 người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có hơn 46.600 người vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước, chiếm 6% tổng số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Xét theo tỷ lệ lao động bỏ trốn , thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ cao nhất, với hơn 12.200 người bỏ hợp đồng trốn ra ngoài làm việc “chui”, chiếm tới 26% tổng số lao động được đưa sang làm việc.
Xét về số lượng lao động bỏ trốn, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu với hơn 24.000 lao động bỏ trốn (chếm 9% trong tổng số hơn 256.500 người đang làm việc tại đây).
Tại Nhật Bản cũng có gần 4.700 người lao động bỏ trốn. Các nước tại Trung Đông - châu Phi có hơn 1.300 người lao động bỏ trốn. Số lượng này tại các nước châu Âu gần 600 người.
Đặc biệt, trong số lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và làm việc “chui” tại các nước, có nhiều lao động còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn như trộm cắp, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau... Vi phạm của lao động “chui” đã phần nào làm hưởng đến uy tín và hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Về lý do lao động bỏ trốn, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, những năm qua, một số lao động không tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, chỉ mong được đi sớm, sẵn sàng mất tiền cho “cò” để được đi làm việc ở nước ngoài nhanh. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, một số lao động ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của nơi làm việc, thiếu tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại.
Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn khi làm theo hợp đồng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2020-2023, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước, nên bỏ trốn tiếp tục ở lại làm việc, nhiều nhất tại Đài Loan, Nhật Bản.
Để giảm tình trạng lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đã áp dụng nhiều biện pháp, như tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; xử lý trách nhiệm doanh nghiệp phái cử có nhiều lao động bỏ trốn, kể cả rút giấy phép; người lao động phải ký quỹ trước khi đi (như đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng/người). Vài năm trở lại đây, Bộ LĐ-TB&XH đã bổ sung thêm chế tài dừng tuyển lao động mới đi Hàn Quốc làm việc với địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao...
tienphong.vn