Hơn 500 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
Chủ đề của diễn đàn sẽ tập trung vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
- 02-12-2021Đằng sau thông tin Vingroup đàm phán huy động 1 tỷ USD cho VinFast, có thể hoàn tất vào tháng tới
- 01-12-2021PMI tháng 11 tăng nhẹ lên 52,2 điểm
- 01-12-2021Trỗi dậy sau khủng khoảng 3: Việt Nam - Ngôi sao mới của thị trường vốn cổ phần tư nhân
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là đại biểu cấp cao tại sự kiện, bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh... cùng 20 diễn giả hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, 500 đại biểu tham dự trực tuyến và hơn 80 đơn vị báo chí.
Theo dự kiến chương trình, vào sáng 5/12, phiên toàn thể diễn đàn sẽ diễn ra toạ đàm cấp cao - một số gợi ý đổi mới chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Chiều cùng ngày, sẽ diễn ra 2 chuyên đề: Phối hợp các chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế; chuyên đề bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.
Nhằm ứng phó với những tác động bởi dịch bệnh, các quốc gia đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, tăng trần nợ công... để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Ngay từ đầu năm 2021, các nền kinh tế lớn có xu hướng phục hồi nhanh trở lại. Trong nước, dịch bệnh ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh kinh tế, y tế, văn hóa, an sinh xã hội; với kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội…
Mặc dù Chính phủ đã cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp (năm 2021 ước chỉ khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, tổng nguồn lực cả 2 năm 2020 và năm 2021 khoảng 4% GDP), theo một số đánh giá thì mới chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hằng năm, 5 năm, 10 năm, làm suy yếu thành quả, nỗ lực của cả đất nước sau hơn 35 năm “đổi mới”, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Do đó, chủ đề của diễn đàn sẽ tập trung vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhằm có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Tiền phong