Hơn 5.700 hộ dân sắp được giao đất dịch vụ sau gần 20 năm mong chờ
Huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đã bố trí đủ quỹ đất sẵn sàng giao đất dịch vụ cho khoảng 5.700 hộ dân trên địa bàn
- 02-11-2022TP Nha Trang quy hoạch gần 4000ha đất thương mại dịch vụ đến năm 2030
- 08-09-2022Mở rộng thành phố, Nha Trang sẽ có thêm gần 3.000 ha đất thương mại dịch vụ
- 21-02-2022Bổ sung 1.200ha đất thương mại dịch vụ tại đô thị sân bay quốc tế
Ngày 6-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc giải quyết vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Một trục đường ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Mê Linh
Theo đó, Bộ TN-MT nhận được Công văn số 392/BC-UBND 14-11-2022 của UBND TP Hà Nội về việc giải quyết vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh. Bộ TN-MT cho biết đề giải quyết vướng mắc giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, Bộ đã có ý kiến đề xuất (tại công văn số 3612/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 6-7-2020, công văn số 7093/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 15-12-2020) và được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý (tại công văn số 9183/VPCP-NN ngày 3-11-2020 của Văn phòng Chính phủ), cụ thể: cho phép UBND TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ giao đất dân cư dịch vụ trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn của huyện Mê Linh theo thẩm quyền đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi từ khi có Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB ngày ngày 22-7-2004 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các trường hợp còn tồn đọng theo quy định của Luật Đất đai 2003.
Theo nội dung công văn số 392/BC-UBND nêu trên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, căn cứ các quy định, chính sách do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành (Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB ngày 22-7-2004, Công văn số 2682/HC-UB ngày 1-11-2004, Thông báo số 113/TB-UB ngày 16-5-2005 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Công văn số 479/CV-TN&MT ngày 31-8-2004 của Sở TN-MT), UBND các huyện, thành phố đã thống nhất tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi từ năm 1997 trở về sau ngày ban hành Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB (hộ có đất nông nghiệp thu hồi trước khi có Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB cũng được giao đất dịch vụ tương tự như hộ có đất nông nghiệp thu hồi sau khi ban hành Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB, không có sự phân biệt). Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã giao được 123,14 ha đất dịch vụ cho các hộ có đất nông nghiệp thu hồi (đạt 99,15%).
Sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào TP Hà Nội, ngày 14-9-2008, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND về việc tiếp tục áp dụng trên địa bàn TP Hà Nội (mới) các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách do UBND TP Hà Nội (cũ), UBND tỉnh Hà Tây (trước đây), UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành trước ngày 1-8-2008. Tiếp đó, ngày 1-12 năm 2014, UBND TP Hà Nội có Công văn số 9397/UBND-TNMT đồng ý cho phép UBND huyện Mê Linh tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ bằng giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi theo quy định tại Quyết định số 2502/2004/QĐ-UB.
Bộ TN-MT khẳng định để giải quyết dứt điểm tồn tại về giao đất dịch vụ, bảo đảm công bằng, thống nhất về quyền lợi cho người có đất thu hồi, thực hiện đúng chính sách giao đất dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc (trước đây), Bộ TN-MT đồng ý với đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi trên địa bàn huyện Mê Linh của UBND TP Hà Nội nêu tại Công văn số 392/BC-UBND ngày 14-11-2022.
Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, bảo đảm tính chính xác của các thông tin, số liệu, thực hiện việc hỗ trợ giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, công bằng với các hộ có đất nông nghiệp thu hồi tương tự của tỉnh Vĩnh Phúc, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và không để xảy ra thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc Bộ TN-MT có văn bản giải quyết vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh, ông Nguyễn Trọng Trung (một người dân nằm trong diện được giao đất dịch vụ ở huyện Mê Linh) vui mừng cho biết ông và hàng ngàn người dân Mê Linh phấn khởi, vui mừng khi Bộ TN-MT, UBND TP trực tiếp là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã quan tâm, chỉ đạo giải quyết vấn đề "nan giải" gần 20 năm qua cho người dân Mê Linh.
"Chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng vì thông tin này. Gần 20 năm qua chúng tôi đã gửi biết bao nhiêu lá đơn lên hàng chục cơ quan trung ương và thành phố nhưng không được giải quyết dứt điểm. Như vậy là lời hứa về việc quyết tâm giao đất dịch vụ cho người dân của Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đã được thực hiện. Chúng tôi rất biết ơn" - ông Trung bày tỏ.
Trước đó, ngày 16-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp xúc cử tri tại huyện Mê Linh. Tại hội nghị, nhiều người dân đã trình bày về vấn đề chậm giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn. Theo người dân, từ năm 1997 đến ngày 1-8-2008, người dân đã chấp hành chủ trương để nhà nước thu hồi đất xây nhà ở cho khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Sau đó, người dân được hưởng đất dịch vụ theo nghị quyết. Tuy nhiên, hàng ngàn người dân đã mong đợi hết năm này đến năm khác, đem câu chuyện liên quan đến đất dịch vụ đến phản ánh ở nhiều buổi tiếp xúc cử tri nhưng vẫn không được hồi âm cụ thể. Trong khi đó, kiến nghị thì "đưa lên đưa xuống" còn người dân thì "không khác gì quả bóng".
"Nay Chủ tịch UBND TP về đây, mong thấu hiểu được nỗi khổ của chúng tôi. Chúng tôi bây giờ, đất được chia cho là cả đời sinh sống, qua nhiều thế hệ rồi. Bản thân chúng tôi, ngoài 60 tuổi thành gánh nặng của con cháu, lương không có. Rất mong ông nghe chúng tôi phản ánh thì quan tâm hơn nữa, có ý kiến với Chính phủ, Bộ TN-MT để trả đất dịch vụ cho chúng tôi" - bà Đào Thị Duyên (73 tuổi, ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) trải lòng.
Ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, cho biết vấn đề đất dịch vụ là vấn đề rất trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Hà Nội và điều này không chỉ xảy ra ở riêng huyện Mê Linh. Nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra là do sự không đồng bộ trong chính sách giữa Hà Nội cũ và các khu vực ở các tỉnh lân cận khi sáp nhập để thiết lập thủ đô Hà Nội mới.
"Tôi đọc hồ sơ thấy Mê Linh tương đối thuận. Các đồng chí cần quyết tâm triển khai để trả lại quyền lợi chính đáng cho bà con. Không có cớ gì mà bên Vĩnh Phúc cũng như vậy mà xử lý xong rồi. Thế mà Mê Linh thì nợ mấy ngàn suất thế này thì không ổn. Lỗi là lỗi của chúng ta, ở cấp ủy, lãnh đạo huyện, lãnh đạo TP" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định và bày tỏ quyết tâm phải xử lý, giao đất dịch vụ cho người dân huyện Mê Linh trong thời gian sớm nhất.
Nhanh chóng thực hiện thủ tục
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư huyện ủy Mê Linh, cho biết vấn đề đất dịch vụ trên địa bàn đã trải qua gần 20 năm qua không được giải quyết, người dân mong mỏi từng ngày được giao đất. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói riêng thời gian qua đã rất sát sao, quan tâm, ủng hộ việc triển khai giao đất dịch vụ cho hàng ngàn người dân ở Mê Linh.
"Việc Bộ TN-MT, UBND TP Hà Nội cũng như các lãnh đạo Bộ, UBND TP có các văn bản giải quyết vướng mắc về giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh là một bước ngoặt cho chính quyền, người dân Mê Linh nói riêng và nhiều vùng khác nói chung. Chính quyền huyện khẳng định sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục công khai, minh bạch để các hộ dân Mê Linh nhanh chóng được chia đất dịch vụ theo đúng quy định" - Bí thư huyện ủy Mê Linh khẳng định.
Trong giai đoạn từ ngày 1-1-1997 đến trước ngày 1-8-2008, tổng số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp là hơn 6.400 hộ, tương ứng hơn 28 ha đất dịch vụ. Trong đó, đã có 715 hộ được giao tổng diện tích 3,8 ha; còn lại hơn 5.700 hộ gia đình, cá nhân tương ứng hơn 24 ha chưa được giao. Qua thống kê, UBND TP Hà Nội khẳng định, địa phương đã xác định bố trí đủ quỹ đất để giao cho hơn 5.700 hộ gia đình.
Người lao động