Hòn đảo ngay miền Bắc không cần đi tàu: Qua cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nhiều người chưa hề biết tới
Nhiều du khách sẽ phải bất ngờ khi biết rằng, để tới được hòn đảo này, không cần đi tàu, phà hay thuyền mà có thể di chuyển hoàn toàn bằng đường bộ.
- 12-07-2024Phú Quốc "vượt mặt" Bali trở thành hòn đảo đẹp thứ 2 thế giới
- 08-07-2024Có một hòn đảo hoang sơ trên biển miền Trung: Hình dáng đặc biệt, nằm ở vị trí đánh dấu lãnh hải Việt Nam
- 04-07-2024Phát hiện hòn đảo trong Vịnh Hạ Long chưa nhiều người biết: Được ví như "đảo ngọc", cách đất liền 30km
Nhắc đến du lịch biển Việt Nam, bên cạnh bãi biển sát đất liền, còn có rất nhiền hòn đảo lớn nhỏ khác nằm xa bờ, song mang vẻ đẹp riêng, được nhiều du khách yêu thích. Để di chuyển tới những hòn đảo này, hình thức chủ yếu và phổ biến, thậm chí có thể đánh giá là duy nhất, đó là du khách sẽ phải di chuyển đường thuỷ, bằng tàu, thuyền hoặc ca nô.
Tuy nhiên ngay ở miền Bắc, kể từ tháng 9 năm 2017, du khách đã có thể đến một hòn đảo mà di chuyển hoàn toàn bằng đường bộ. Hòn đảo mang tên Cát Hải thuộc huyện đảo cùng tên, nằm ở phía đông thành phố Hải Phòng.
Con đường kết nối đảo Cát Hải với đất liền là cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cũng chính là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng chiều dài 5,44km.
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, trước đây, để đến huyện đảo Cát Hải, du khách cần đi phà Đình Vũ, thời gian mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên giờ đây, khi đi qua cầu, quãng đường sẽ chỉ còn mất 30 phút và hoàn toàn có thể đi bằng ô tô, xe khách hay cả xe máy.
Theo nhiều du khách đã có kinh nghiệm, để tới đảo Cát Hải bằng đường bộ, du khách đi từ trung tâm thành phố Hải Phòng, sau đó chạy theo hướng QL5, qua đường Đình Vũ và Mạc Thái Tổ đến cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Khi qua khỏi cầu sẽ có một tấm biển chỉ dẫn đường xuống cảnh Lạch Huyện, rẽ phải rồi chạy men theo con đường mòn thêm một đoạn ngắn nữa là sẽ tới được đảo.
Trên thực tế, đảo Cát Hải là một trong các hòn đảo tạo thành huyện đảo Cát Hải. Ngay gần Cát Hải chính là quần đảo Cát Bà - cái tên vốn không còn xa lạ gì với những tín đồ yêu du lịch. Tổng diện tích đảo Cát Hải vào khoảng 40km2, nằm kéo dài ra đến tận biển Đông.
Đảo Cát Hải ban đầu vốn dĩ được sử dụng chủ yếu để phục vụ cho công tác chắn sóng và cát. Tuy nhiên với cảnh quan thiên nhiên, không khí trong lành và sự thanh bình, nhiều du khách đã lựa chọn Cát Hải như một điểm đến mới mẻ cho chuyến đi của mình, đặc biệt là với các nhóm du khách trẻ, yêu thích sự khám phá.
Đảo Cát Hải thường được các nhóm du khách kết hợp cho chuyến đi Hải Phòng. Không cần di chuyển quá khó khăn hay xa xôi, du khách có thể hít thở sự trong lành của biển cả, đồng thời chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, độc đáo ở Cát Hải.
Trên đảo Cát Hải, có một địa điểm check-in vô cùng nổi tiếng. Thậm chí nhiều du khách nhận xét, họ đến với Cát Hải chủ yếu vì muốn một lần được đi dạo, hay chụp ảnh ở địa điểm này. Đó là đoạn đê chắn sóng có tổng chiều dài hơn 10km, bao gồm gần 2,5km đê chắn sóng, và phần còn lại là đê chắn cát.
Với thiết kế gồm nhiều khối đá, hình dáng độc đáo, kích thước bề ngang khoảng 2,5m, địa điểm này nhanh chóng nhận được sự chú ý, và trở nên nổi tiếng thông qua các hình ảnh trên các diễn đàn du lịch. Đê chắn sóng và cát ở đảo Cát Hải cũng được đánh giá là một trong những công trình biển có quy mô lớn nhất ở nước ta. Nhiều người còn mệnh danh nó là "con đường bộ trên biển" dài nhất Việt Nam.
Điểm đặc biệt nữa không thể không nhắc tới của tuyến đê này, là phải khi thuỷ triều rút xuống, con đường đồ sộ mới từ từ hiện ra giữa mặt nước biển trong xanh. Nhiều du khách chia sẻ, nhờ có con đường đặc biệt, họ mới biết tới đảo Cát Hải và thêm thôi thúc ý định tới đây.
Tuy nhiên trên thực tế, theo lãnh đạo thị trấn Cát Hải, do không được xây dựng phục vụ mục đích du lịch, tuyến đê biển Cát Hải vốn không phù hợp cho du khách tới tham quan hay chụp ảnh. Bởi như đã nói, khi thuỷ triều dâng cao, toàn bộ tuyến đê ngập trong nước, từ đó dễ dẫn tới ẩm ướt, trơn trượt, không đủ đảm bảo an toàn cho du khách.
Tốt hơn hết, du khách chỉ nên ghé thăm khu vực vào buổi chiều, khi hoàng hôn và thuỷ triều xuống, ngắm nhìn, chụp hình tuyến đê từ xa. Bên cạnh đó, du khách có thể ghé thăm một số điểm đến nổi bật khác ở Cát Hải, như những làng nghề làm mắm nổi tiếng, những khu chợ truyền thống địa phương để thưởng thức những món đặc sản tươi ngon, giá thành hợp lý...
Một số hình ảnh du khách check in tại đê chắn sóng Cát Hải (Ảnh ST)
Với những du khách có chuyến đi dài ngày hơn, có thể dành 1 hoặc nửa ngày ở Cát Hải, sau đó di chuyển tới quần đảo Cát Bà ở gần đó, tắm biển, tham quan vịnh hay các làng chài cổ như Cái Bèo, Việt Hải,...
Đời sống & pháp luật