"Hòn vọng phu ở núi Côn Lôn": Người phụ nữ kiên trì sống trên núi cao khắc nghiệt suốt 20 năm vì một lời hẹn ước với chồng
Dương Lệ kiên trì sống ở chân núi Côn Lôn hơn 20 năm để chờ đợi người chồng đã nhiều năm không trở về.
- 04-10-2023Muốn tìm việc làm thêm trang trải cuộc sống, người phụ nữ mất trắng nửa tỷ đồng, đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng
- 03-10-2023Bí quyết 3 'chữ T' giúp người phụ nữ 78 tuổi 'nhẹ nhàng' chiến thắng ung thư giai đoạn 3
- 03-10-2023Bộ ảnh nhan sắc thực của những người phụ nữ thời nhà Thanh
“Còn nhớ anh từng hứa với em,
Rằng đừng để em tìm không thấy anh.
Nhưng anh đã theo đàn chim di trú về phương Nam, xa thật xa.
Tình yêu đôi ta như con diều đứt dây…” - Tạm dịch đoạn trích từ ca khúc “Bản tình ca biển Tây” của Đao Lang.
Ở lối vào núi Côn Lôn (Trung Quốc) có một người phụ nữ gầy gò sống một mình. Không biết cô sống ở đây từ bao lâu, 20 năm, hoặc thậm chí hơn.
Môi trường khắc nghiệt để lại những dấu ấn không thể phai mờ trên cơ thể cô: Tóc khô xơ, nước da tái nhợt, trên mặt đã hằn rất nhiều nếp nhăn, miệng chỉ còn sót lại vài chiếc răng lớn.
Tuy nhiên, hình ảnh không được chỉn chu, đến mức bị nhiều người lầm tưởng là ăn mày, lại được du khách tôn sùng là “Nữ thần Côn Lôn” và đã trở thành biểu tượng của ngọn núi.
Người phụ nữ này “thần kỳ” như vậy sao?
“Lý Quân, em đến tìm anh”
“Nữ thần Côn Lôn” tên là Dương Lệ.
Hơn 20 năm trước, Dương Lệ rất xinh xắn, có mái tóc đen bóng, hiền lành và ít nói. Vì gia đình nghèo nên cô phải nghỉ học sớm và ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng.
Một ngày nọ, sinh viên đại học tên Lý Quân đến làng, mang theo lý tưởng và hoài bão phục vụ người dân.
Dương Lệ và Lý Quân, hai con người lớn lên trong những môi trường khác nhau, bất ngờ nảy sinh tình cảm. Dương Lệ thích sự kiên cường, bộc trực của Lý Quân, còn Lý Quân thích sự dịu dàng và tốt bụng của cô ấy. Và rồi hai người đã kết hôn.
Không lâu sau, Lý Quân quyết định tham gia đội hỗ trợ xây dựng vùng sâu vùng xa, những khu vực hẻo lánh chưa phát triển.
Khi nghe được tin chồng muốn đến Tây Tạng, nơi có không khí loãng và môi trường khắc nghiệt, ngay cả thở còn khó khăn chứ đừng nói đến việc xây dựng đường sá, Dương Lệ đã ngăn cản. Nhưng cô không thể cản được tấm lòng muốn đóng góp cho đất nước của chồng.
Lúc chia tay, Dương Lệ nhìn vẻ mặt kiên quyết của Lý Quân, nghiêm túc nói: “Anh phải trở về an toàn, em đợi anh. Nếu không em sẽ đến tận nơi đưa anh về”.
Lý Quân gật đầu và nói chắc chắn sẽ về nhà sau hai năm nữa. Tuy nhiên, anh đã không thực hiện được lời hứa của mình.
Thời gian trôi qua rất nhanh, chớp mắt đã mấy năm. Người công nhân lên đường cùng Lý Quân đã về nhà, nhưng chồng Dương Lệ vẫn chưa thấy đâu.
Vài ngày sau, tin xấu truyền đến.
Trong quá trình xây dựng đường cao tốc Tân Cương ở đoạn núi Côn Lôn xảy ra tai nạn sạt lở. Lý Quân đã mất tích trong vụ tai nạn, phía quản lý dự án đã đưa ra kết luận rằng anh đã chết.
Đương nhiên Dương Lệ không thể chấp nhận được tin này, cô muốn lên đường tìm chồng. Nhưng bố mẹ chồng đã già, cô không thể để họ rời đi nên chỉ có thể chôn vùi ý nghĩ này trong lòng.
Phải đến khi bố mẹ chồng qua đời, Dương Lệ mới lên kế hoạch cho chuyến đi đến Tân Cương.
“Lý Quân, em đến tìm anh”.
Chờ, chờ suốt 20 năm
Tháng 12/2001, trời đã sáng. Dương Lệ thu xếp vài bộ quần áo, mang theo một ít đồ khô rồi xuất phát.
Khi Dương Lệ mới đến núi Côn Lôn, các công nhân trong đội thi công đường đã rất sốc. Họ nghe nói ở quê có một người phụ nữ không tin chồng mình đã chết. Nhưng họ không bao giờ nghĩ rằng cô lại một mình đến núi Côn Lôn để tìm chồng.
Dương Lệ ngày nào cũng đi sớm về muộn, đi khắp các con đường để tìm kiếm dấu vết của chồng.
Nhìn thấy Dương Lệ kiên trì như vậy, mọi người đều cảm thông và buồn thay. Nhưng điều không ngờ là khi việc thi công đoạn Tân Cương-Tây Tạng đã hoàn thành, Dương Lệ vẫn không chịu rời đi.
Mọi người đều khuyên can, nói với cô: “Đã lâu như vậy, chồng cô đã bị chôn vùi dưới hố sâu rồi, cô nên trở về cùng chúng tôi”.
Dương Lệ bật khóc và một mực khẳng định chồng cô chưa chết. Dù mọi người có thuyết phục thế nào, cô vẫn quyết tâm ở lại đây để bảo vệ chồng và mảnh đất này.
Dãy núi Côn Lôn trải dài hàng ngàn dặm, với tổng chiều dài 2.500 km, khiến nó trở thành dãy núi dài nhất Trung Quốc. Độ cao trung bình là 4.500 mét, nhiệt độ hàng năm âm 9°C, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Ở đây động vật, thực vật khó có thể tồn tại chứ đừng nói đến con người.
Nhưng Dương Lệ đã kiên trì sống ở chân núi Côn Lôn. Cô tìm đến khu xưởng đổ nát nơi công nhân từng sinh sống và chờ đợi người chồng đã nhiều năm không trở về.
Chờ, nháy mắt mà đã 20 năm trôi qua.
Tia cực tím và gió mạnh trên núi Côn Lôn khiến Dương Lệ già đi nhanh hơn so với người cùng trang lứa. Cô ấy không còn trẻ hay xinh đẹp nữa. Do uống nước chứa độ kiềm cao ở núi Côn Lôn nhiều năm nên răng gần như rụng hết, chỉ còn lại vài chiếc răng cửa bị biến dạng.
Điều duy nhất không thay đổi có lẽ là sự kiên trì của cô.
Thời gian trôi qua, Dương Lệ không còn đặt hy vọng đi xa để tìm chồng nữa. Cô bắt đầu đặt hy vọng vào những người lái xe ngang qua. Cô kể cho họ nghe về vụ tai nạn năm xưa, cũng như giọng nói và ngoại hình của chồng, đồng thời nhờ họ nếu bắt gặp người có những đặc điểm này thì liên hệ với cô. Cô nhờ họ nói với anh rằng: “Vợ đang tìm anh”.
Cô vẫn không chịu chấp nhận sự thật chồng mình đã chết nhưng những người lái xe đi ngang đều hiểu điều đó. Chồng cô đã mất từ lâu.
Những người tài xế rất cảm động trước sự thủy chung và kiên trì của Dương Lệ, mỗi lần gặp đều cho cô một số đồ dùng, để cô cảm nhận được hơi ấm của con người ở vùng núi Côn Lôn lạnh giá.
Khi có người đi ngang qua núi, Dương Lệ cũng sẽ đối xử nồng nhiệt với họ: “Bạn đến từ đâu? Bạn có cần chỗ ở không”.
Bằng cách này, câu chuyện của Dương Lệ được truyền từ người này sang người khác. Kể từ đó, nhiều tài xế sẽ bấm còi và hét to “Nữ thần Côn Lôn” vào nhà khi đi ngang qua nơi ở của Dương Lệ trên đường cao tốc Tân Cương-Tây Tạng.
Trong thâm tâm họ, nụ cười của Dương Lệ dường như có thể phù hộ cho tất cả mọi người trên đường đến đích an toàn.
Chấp niệm đã phai, còn lại kỷ niệm
Khi câu chuyện của Dương Lệ lan truyền rộng rãi, chính quyền địa phương lo lắng cho sự an toàn và khuyên cô nên về nhà hoặc đến viện dưỡng lão. Nhưng Dương Lệ không nghe, dù thế nào cũng không chịu rời đi.
Trong cơn tuyệt vọng, chính quyền địa đã phải giúp cô xây một ngôi nhà mới vững chắc hơn. Để thêm chút màu sắc cho cuộc sống của Dương Lệ, các bức tường bên ngoài của ngôi nhà được sơn màu đỏ cam nổi bật.
Khi những người lái xe ngang qua nhìn thấy ngôi nhà màu đỏ cam, họ biết mình đang ở đâu trên hành trình và cảm thấy bình yên trong lòng.
Sau này, Dương Lệ không còn bị ám ảnh bởi việc tìm chồng nữa. Cô dường như nhận ra chồng đã ra đi, hay nói cách khác, cuối cùng cô cũng chấp nhận sự thật.
Tuy nhiên, cô không rời khỏi ngôi nhà màu đỏ cam ấm áp này. Khi có khách du lịch đi ngang qua, cô không còn mù quáng nói về chồng mình mà thường nói về những chuyện vui vẻ khác. Cô luôn cảm thấy bản thân cứ lặp đi lặp lại chuyện buồn của mình thì không lịch sự cho lắm.
Khi không có ai xung quanh, cô thường đứng một mình ở cửa, lặng lẽ nhìn về phương xa, rồi chìm vào im lặng hồi lâu. Cô không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình.
Thời gian trôi qua, mặc dù chấp niệm đã nguôi ngoai trong lòng, nhưng Dương Lệ cảm thấy mình gần như hòa nhập với cả dãy núi Côn Lôn.
Cô bảo vệ vùng đất này và nhất quyết gửi những lời chúc phúc đến tất cả những ai quan tâm đến mình. Cô cũng mang lòng hiếu khách nồng nhiệt cho những người bạn du hành khi gặp họ, hỏi họ xem họ có thiếu lương thực không và liệu họ có cần ở lại đây không...
Tình yêu đã bén rễ trong cuộc đời mỗi người, dù đất đai xung quanh có cằn cỗi đến đâu, cũng sẽ không bao giờ biến mất, một khi đã thức tỉnh thì sẽ luôn ở đó. Niềm tin là một sức mạnh có thể khiến người phụ nữ yếu đuối trở nên kiên trì, giúp những người đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng lấy lại được sự sống.
Sức mạnh này lan truyền đến những người lái xe và hành khách đi qua cũng như tất cả những ai nghe được câu chuyện của người phụ nữ tên Dương Lệ ở núi Côn Lôn.
Nguồn: Zhihu
Phụ nữ mới