Hồng Kông: Hàng loạt loại bánh quy chứa chất gây ung thư
Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông vừa yêu cầu các cơ sở sản xuất bánh thay đổi nguyên liệu sử dụng làm bánh quy sau khi ít nhất 50 loại bánh bán ở thành phố này bị phát hiện có chứa các chất gây ung thư.
Cơ quan này cho biết đã phát hiện dấu vết các chất glycidol và acrylamide - sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất bánh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư - trong gần 90% trong số 58 mẫu xét nghiệm giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10-2018.
Ngoài ra, 35 loại bánh quy bị phát hiện có chứa hóa chất 3-MCPD, một phó phẩm có thể làm tổn hại thận và khả năng sinh sản của nam giới.
"Các chất này được tạo ra do dầu bị nung nóng ở những nhiệt độ nhất định. Chúng tôi đề nghị các nhà sản xuất điều nghiên quá trình sản xuất và thay thế loại dầu ăn" - ông Clement Chan Kam-wing, quan chức Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông, nhấn mạnh.
Hàng chục loại bánh đã được kiểm tra trong quá trình điều tra của Hội đồng Tiêu dùng Hồng Kông. Ảnh: SCMP
Bà Gilly Wong Fung-han, lãnh đạo hội đồng này, cam kết chính quyền sẽ cung cấp các nguyên liệu có lợi cho sức khỏe với giá thấp để người tiêu dùng có thể tiếp tục thưởng thức các loại bánh yêu thích của họ, đặc biệt là vào dịp lễ hội mùng năm mới sắp tới.
Một nghiên cứu của hội đồng trên hồi năm ngoái phát hiện glycidol và 3-MCPD trong hầu hết 20 loại bơ thực vật bán ở Hồng Kông.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không thiết lập giới hạn cho việc tiêu thụ 2 chất glycidol và acrylamide nhưng Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông khẳng định dân chúng ở thành phố này nên ăn chúng "càng ít càng tốt".
Ông Clement Chan, chủ tịch ủy ban quảng cáo và quan hệ cộng đồng của Hội đồng Tiêu dùng Hồng Kông, và giám đốc điều hành Gilly Wong cung cấp những phát hiện mới nhất về cuộc điều tra. Ảnh: SCMP
Theo tiêu chuẩn của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, một người lớn cân nặng 60 kg chỉ nên tiêu thụ 120 microgram chất 3-MCPD mỗi ngày.
Cũng theo cuộc kiểm tra, 46 loại bánh quy bị phát hiện không có thông tin về thành phần dinh dưỡng của sản phẩm hoặc ghi sai thông tin này. 29 mẫu kiểm tra có gắn nhãn thành phần dinh dưỡng lại bị phát hiện thông tin sai về lượng đường, natri hoặc chất béo.
Theo South China Morning Post
Người Lao động