MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Họp ĐHCĐ ACV: Đặt kế hoạch kinh doanh dè dặt, chưa rõ thời điểm lên sàn HoSE

ACV dự kiến doanh thu năm 2019 đạt 19.127 tỷ, lợi nhuận trước thuế 8.190 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 9% so với 2018. Trong đó, tăng trưởng doanh thu dịch vụ hàng không và phi hàng không đều thấp hơn năm ngoái.

Lợi nhuận 2018 tăng đột biến nhờ chính sách tăng giá dịch vụ

Công ty mẹ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 lần lượt đạt 111% và 131% kế hoạch. Tổng doanh thu là 17.770 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế là 6.028 tỷ, tăng 44%.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2019 ngày 22/6, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV, cho biết lợi nhuận 2018 tăng đột biến chủ yếu nhờ chính sách tăng giá dịch vụ theo Quyết định 2345 của Bộ Giao thông & Vận tải.

Liên quan tới dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Phiệt nói công ty đã trình các cơ quan nhà nước Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 để xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019 (tháng 10).

Doanh thu hàng không và phi hàng không 2019 thấp hơn năm ngoái

Năm 2019, ACV giữ quan điểm tích cực về tình hình tăng trưởng thị trường vận tải hàng không Việt Nam. Thị trường dự báo tiếp tục phát triển với sự tham gia của các hãng hàng không mới trong nước cũng như việc tăng cường khai thác các đường bay quốc tế mới tới Phú Quốc, Phú Yên, Phù Cát…

Tuy nhiên, ACV sẽ gặp một số khó khăn như sự cạnh tranh từ khối tư nhân, chính sách về cơ chế khu bay, quyền đầu tư, thủ tục đất đại bị chậm giải quyết… Tốc độ tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không có dấu hiệu chững lại và bão hòa. Ngoài ra, một số khó khăn khác có chi phí điện, nhiên liệu tăng cao, tình hình chính trị thế giới bất ổn…

Vì vậy, công ty dự kiến doanh thu năm 2019 đạt 19.127 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.190 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 9% so với 2018. Trong đó, tăng trưởng doanh thu dịch vụ hàng không và phi hàng không đều thấp hơn năm ngoái.

Cụ thể, theo ACV, doanh thu dịch vụ hàng không sẽ tiếp tục tăng do tác động tích cực từ nhịp cuối tăng giá của Quyết định 2345 của Bộ Giao thông. Tuy nhiên, mức tăng sẽ thấp hơn so với năm 2018 do sản lượng tăng trưởng chậm lại và giảm nguồn thu quốc tế của Cảng Cam Ranh.

Doanh thu phi hàng không và bán hàng cũng tăng thấp hơn năm ngoái. Trong năm 2018, nhiều công trình hạ tầng mới hoàn thành được đưa vào khai thác, nhưng sang năm nay, hầu hết hạng mục đều trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Công ty đặt mục tiêu tăng doanh thu dịch vụ phi hàng không lên chiếm 40% tổng doanh thu trong vài năm tới nếu tháo gỡ được vướng mắc về cơ chế chính sách, ông Phiệt cho biết.

ACV cho biết đang xây dựng quy chế minh bạch để tăng giá dịch vụ. Tuy nhiên, công ty bị vướng Quy định 4224 về giá dịch vụ phi hàng không nên việc tăng sẽ bị không chế bởi khung giá trần. Công ty đang kiến nghị trao quyền cho ACV quản lý giá phi hàng không giống như thế giới.

Liên quan tới việc tăng thu nhượng quyền, ông Phiệt cho biết việc này phụ thuộc vào cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước chưa ban hành mức thu nhượng quyền cho ACV. Tuy nhiên, tổng giám đốc ACV khẳng định chủ trương là mức thu nhượng quyền sẽ tăng và ACV sẽ được hưởng lợi một phần.

Họp ĐHCĐ ACV: Đặt kế hoạch kinh doanh dè dặt, chưa rõ thời điểm lên sàn HoSE - Ảnh 1.

Cổ đông điền phiếu biểu quyết. Ảnh: Thanh Long.

Kế hoạch lên sàn HoSE của ACV

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết kế hoạch lên sàn của ACV còn phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại của việc cổ phần hóa, đặc biệt là quyết toán giá trị cổ phần hóa.

Theo ông Vũ Thế Phiệt, để có thể lên HoSE, công ty trước hết phải quyết toán được phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đang làm các bước để giải quyết. Về việc quyết toán thuế, ACV đã làm việc với cục thuế TP HCM và cơ bản hoàn thành các nội dung chính, sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục trong tháng 7.

Vấn đề thứ 2 là cơ chế quản lý khu bay, chủ yếu là phân định giữa tài sản của ACV và tài sản Nhà nước. Bộ Giao thông đang trình Chính phủ đề án về khai thác kết cấu hạ tầng hàng không theo hướng giao ACV quản lý hạng mục này theo điều khoản chuyển tiếp trong vòng 5 năm. Nếu Chính phủ duyệt, vấn đề này mới được giải quyết.

Tương tự, vấn đề sửa đường băng cũng chưa được quyết định vì đây là tài sản của Nhà nước, phải đợi Chính phủ duyệt đề án khu bay. Ông Phiệt khẳng định không có dự án sửa đường băng trong kế hoạch 2019.

Muốn làm chủ đầu tư dự án Nhà ga T3 tại Cảng Tân Sơn Nhất

Theo định hướng năm 2019, ACV sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khai thác của các hãng hàng không với kế hoạch vốn đầu tư cả năm là hơn 7.300 tỷ đồng, trong đó gồm dự án xây mới nhà ga T3 tại cảng Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh; dự án mở rộng nhà ga T2 tại Nội Bài; xây dựng nhà ga T2 tại Cát Bi, Phú Bài… Đồng thời, công ty sẽ triển khai dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại các cảng có tần suất cao…

Liên quan tới dự án Nhà ga T3 tại Cảng Tân Sơn Nhất, ông Phiệt cho biết một trong những khó khăn của ACV là quyền đầu tư. Công ty đang đề xuất theo hướng là nhà khai thác cảng ở sân bay nào thì có quyền mở rộng sân bay đó. Theo đó, ACV đề xuất Chính phủ giao công ty thực hiện dự án nhà ga T3 của Cảng Tân Sơn Nhất và Bộ Giao thông cũng đồng thuận để công ty là chủ đầu tư dự án này. Hiện công ty đã bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án trong giai đoạn 2019 - 2025.

Báo cáo tiền khả thi Nhà ga T3 cơ bản đã hoàn thành. Nhà ga T3 dự kiến có công suất 20 triệu khách với diện tích 16,4ha, gồm 1 nhà ga và 1 nhà để xe cao tầng với tổng vốn đầu tư dự kiến là 11.500 tỷ đồng, ông Phiệt cho biết.

Liên quan tới việc lỗ tỷ giá, ACV có khoản vay ODA bằng yên Nhật là 70 tỷ yên cho Nhà ga T2 Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Công ty trả nợ trong vòng 40 năm, trong đó, ân hạn là 10 năm và bắt đầu trả nợ từ năm thứ 11. Theo kế hoạch 2019, mức dự phòng cho chênh lệch tỷ giá là 600 tỷ đồng, ông Phiệt cho biết.

Ngoài ra, tổng giám đốc ACV cho biết lợi nhuận trước thuế của 6 tháng đầu năm chưa kiểm toán là 4.500 tỷ đồng.

Theo Thanh Long

NDH

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên