MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hợp đồng điện tử sẽ phổ biến khi thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

27-08-2023 - 14:36 PM | Kinh tế số

Những điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp đồng điện tử tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp giao kết trên môi trường số đảm bảo pháp lý.

Hợp đồng điện tử sẽ phổ biến khi thực hiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Ảnh 1.

Ứng dụng thẻ CCCD gắn chip định danh - xác thực điện tử trong hoạt động ký kết Hợp đồng điện tử đã giúp Bộ Công Thương thuận tiện hơn khi triển khai Trục Phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở phân tích những điểm mới của luật này, Luật sư Lưu Xuân Vĩnh, Giám đốc công ty Luật Asia Legal cho biết, doanh nghiệp cần lưu ý hợp đồng điện tử giao kết hoặc thực hiện bằng hệ thống thông tin tự động thì vẫn có giá trị pháp lý ràng buộc các bên trong hợp đồng. Luật mới cũng bổ sung thêm trách nhiệm của các Bộ trong việc ban hành các quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử liên quan đến lĩnh vực quản lý.

“Từ quy định này có thể thấy, việc giao dịch bằng hợp đồng điện tử sẽ ngày càng phổ biến, trở thành xu hướng và dần thay thế cho hợp đồng bằng văn bản giấy truyền thống. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của pháp luật để đảm bảo giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử”.

Để hỗ trợ triển khai hợp đồng điện tử tại Việt Nam đảm bảo pháp lý, Bộ Công thương đã cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho một số đơn vị. Hợp đồng điện tử được chứng thực bởi các đơn vị này sẽ trở thành Hợp đồng điện tử có tích xanh.

Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, với hợp đồng điện tử có tích xanh, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tra cứu tính xác thực của Hợp đồng trên cổng xác minh của Bộ Công thương, hạn chế rủi ro pháp lý cũng như hỗ trợ giải quyết tranh chấp khi phát sinh.

“Thông qua việc ứng dụng công nghệ chứng thực hợp đồng với kỹ thuật lưu trữ file HASH (kỹ thuật băm - Hashing), dịch vụ chứng thực hợp đồng chỉ làm nhiệm vụ chứng thực, chống chối bỏ trách nhiệm giữa các bên, hỗ trợ giải quyết khi có tranh chấp chứ không lưu trữ và không truyền nhận nội dung hợp đồng trên hệ thống của các CeCA (Certified e-Contract Authority - Tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký bởi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương). Doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm về việc bảo mật và toàn vẹn của nội dung hợp đồng”, ông Lê Đức Anh khẳng định.

Nhận định được những giá trị thiết thực của hợp đồng điện tử mang lại cho doanh nghiệp, MISA, đơn vị được Bộ Công thương cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã triển khai tích hợp nền tảng ký tài liệu số MISA AMIS WeSign trên trục hợp đồng điện tử quốc gia. Qua đó giúp các đơn vị ký kết hợp đồng, giao dịch điện tử đảm bảo tính pháp lý, an toàn, bảo mật, rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí và nắm bắt kịp thời những cơ hội kinh doanh.

Theo đó, khi hai chủ thể khởi tạo quy trình ký hợp đồng điện tử trên hệ thống này sẽ chứng thực hợp đồng. Sau đó, hợp đồng được mã hóa và gửi lên trục hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương để ký số chứng thực về tính toàn vẹn và ghi dấu thời gian trên hợp đồng (hợp đồng có tích xanh). Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tra cứu tính xác thực của hợp đồng trên cổng tra cứu của Bộ Công Thương.

Bên cạnh việc đảm bảo giá trị pháp lý, ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số MISA cho biết, nền tảng này có quy trình triển khai thực tế phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp. Được tích hợp chữ ký số từ xa, quy trình ký kết hợp đồng và các loại tài liệu trên hệ thống MISA AMIS WeSign được tự động hóa hoàn toàn ở các khâu tạo lập – trình ký – lưu trữ. Do đó, người dùng có thể ký tài liệu hàng loạt từ xa và ký mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều loại thiết bị. Doanh nghiệp không cần phải tốn kém chi phí, thời gian cho việc in ấn, quản lý, lưu trữ, chuyển phát hợp đồng hay di chuyển đến địa điểm để ký hợp đồng trực tiếp với đối tác. Qua đó giúp tiết kiệm 90% thời gian và 85% chi phí so với hình thức ký truyền thống.

Từ góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực này, tại hội nghị giao ban của Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) mới đây, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết: Luật Giao dịch điện tử sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ mở rộng và tăng cường khung pháp lý cho lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), góp phần khơi thông điểm nghẽn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật có một số điểm mới so với luật hiện hành, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật GDĐT năm 2005 và cũng thể hiện được những nội dung chính sách lớn.

Lần đầu tiên cụm từ “toàn trình” cũng được đưa vào Luật để thể hiện mức độ giao dịch điện tử từ đầu tới cuối. Giao dịch điện tử toàn trình giúp tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục tình trạng giao dịch điện tử phức tạp, lâu hơn, đắt đỏ hơn và hiện nay vẫn tồn tại song song cả 2 hình thức (giấy và điện tử), làm chậm tiến trình chuyển đổi số.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quy định các giao kết Hợp đồng điện tử. Trước đây, khi triển khai Hợp đồng điện tử trong các lĩnh vực như lao động, giao thông và các lĩnh vực khác, gặp phải nhiều khó khăn và vướng mắc do thiếu quy định để các đơn vị thẩm quyền, bộ, ban ngành có thể quy định việc giao kết hợp đồng điện tử.

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn này bằng việc đưa ra cơ sở pháp lý để các Bộ trưởng các Bộ có thể ban hành theo thẩm quyền các quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình. Ví dụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể ban hành Thông tư về hợp đồng lao động điện tử; hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể ban hành Thông tư về hợp đồng du lịch điện tử…

“Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/7/2024. Hiện nay, Bộ TTTT đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các văn bản hướng dẫn, nghị định, thông tư và Bộ TTTT cũng rất mong các Bộ, ngành sẽ quan tâm và chung tay đóng góp để chúng ta có một đạo luật đi vào cuộc sống thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả hơn”, bà Tô Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Theo XM

Báo tin tức

Trở lên trên