Hợp đồng lao động: Những điều cơ bản các tân cử nhân cần biết để bảo vệ mình trong quá trình xin việc
Khi đi xin việc, không ít sinh viên vì mong muốn mau chóng có chỗ làm nên đã gật đầu với nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng: từ nộp bằng gốc đến chấp nhận thời gian thử việc trong khoảng 3 - 6 tháng. Thực tế là doanh nghiệp đang vi phạm luật còn sinh viên thì không hiểu luật để bảo vệ bản thân mình.
- 26-07-2017Nghịch lý: 200 nghìn cử nhân thất nghiệp, ĐH Bách Khoa đào tạo nhân lực không đủ cho 1 công ty
- 18-07-2017Cử nhân đi phục vụ quán cà phê, massage và những câu hỏi chưa lời đáp về thị trường lao động Việt Nam
- 31-05-2017Vì sao cử nhân vẫn thất nghiệp cao?
Sinh viên T đã tốt nghiệp cử nhân khoa Tài chính của Học viện ngân hàng. T nộp đơn ứng tuyển vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng và trực đường dây nóng (hotline) của ngân hàng X.
Thời gian thử việc 2 tháng với mức lương 3.000.000 đồng/tháng (đã bao gồm phí đi lại, tiền ăn trưa…). Sau thử việc, T sẽ được ký hợp đồng lao đồng trong vòng 3 tháng và lương tăng lên 4.000.000 đồng/tháng. Hết 3 tháng ngân hàng sẽ cân nhắc ký tiếp. Tuy nhiên để vào vị trí này, nhà tuyển dụng yêu cầu T nộp bằng tốt nghiệp gốc và họ cũng chỉ nhận bằng gốc. Liệu trường hợp của T có gì cần lưu ý hay không?
Ví dụ trên đã được đưa ra xem xét tại hội thảo “Hợp đồng lao động: Xin việc hay bán sức” do dự án truyền thông giáo dục phi lợi nhuận 4L (Let’s Labor Learn Law) tổ chức sáng 26/11 tại Hà Nội. Đây cũng là trường hợp mà nhiều sinh viên gặp phải trong quá trình xin việc hiện nay.
1. Thời gian thử việc
Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên khoa Pháp luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, khi thử việc, điều cần quan tâm đầu tiên là thời gian thử việc, “vì đây là vấn đề các doanh nghiệp hay vi phạm nhất”. Tại Việt Nam, pháp luật quy định thời gian thử việc tối đa là 60 ngày, phụ thuộc vào tính chất công việc chứ không phải bằng cấp của người xin việc. Cụ thể:
- 60 ngày đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
- 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp
- 6 ngày đối với các công việc khác
2. Mức lương thử việc
Sau khi xem xét thời gian thử việc, một vấn đề khác sinh viên cần quan tâm là mức lương thử việc. Mức lương thử việc ít nhất phải bằng 85% lương chính thức, trong đó lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiếu vùng.
Ví dụ T ở quận Đống Đa, Hà Nội, thuộc vùng I. T ừ năm 2018, lương tối thiểu tại vùng 1 là 3.980.000/tháng, nên khi thử việc mức lương của T ít nhất là 2.985.000 đồng. Nếu trả lương cho T thấp hơn mức này, phía ngân hàng có thể bị phạt từ 20-75 triệu đồng.
3. Có cần nộp bằng tốt nghiệp gốc?
Một điểm khác cần chú ý trong câu chuyện của T là ngân hàng yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp gốc, nếu không nộp sẽ không được nhận vào làm. Tuy nhiên theo thầy Dũng, các sinh viên cần lưu ý là bằng gốc chỉ cấp 1 lần; đề nghị cấp lại cũng chỉ là bản sao. Ngoài ra, phía tuyển dụng không có quyền yêu cầu người lao động phải nộp văn bản gốc, gồm giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ...
“Đưa giấy tờ cho người khác thì dễ, nhưng lấy lại hoàn toàn không dễ chút nào. Tôi đã gặp trường hợp người lao động muốn chấm dứt hợp đồng sớm, lấy bằng để đi làm chỗ khác nhưng doanh nghiệp yêu cầu phải nộp tiền mới được lấy lại bằng”.
“Nếu bạn vẫn muốn làm việc và chấp nhận nộp bằng, nên bằng cách nào đó (văn bản, hình ảnh, âm thanh) lưu lại minh chứng vào giờ đó, ngày đó đã đưa bằng cho doanh nghiệp”, thầy Dũng đưa ra lời khuyên.
4. Thời hạn hợp đồng lao động sau khi thử việc
Vấn đề cuối cùng là sau quá trình thử việc, T sẽ được ký hợp đồng 3 tháng. Trước khi thảo luận vấn đề này, thầy Dũng cho biết có 3 loại hợp đồng mà doanh nghiệp có thể ký với người lao động
- Hợp đồng không xác định thời hạn (hợp đồng dài hạn)
- Hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng)
- Hợp đồng theo mùa vụ hoặc giao kết thực hiện một công việc nhất định (dưới 12 tháng).
Pháp luật cũng nghiêm cấm sử dụng hợp đồng thời vụ với loại công việc có tính chất thường xuyên, kéo dài trên 12 tháng. Trường hợp T được nhận vào ngân hàng vị trí chăm sóc khách hàng và trực tổng đài; đây là công việc liên tục trên 12 tháng. Nếu ngân hàng chỉ ký hợp đồng 3 tháng thay vì tối thiểu 12 tháng là đã vi phạm pháp luật.
“Khi tìm hiểu và biết rõ tính chất công việc của mình, các bạn có quyền trao đổi với người sử dụng, đề nghị ký kết hợp đồng ít nhất 12 tháng. Không nên đồng tình và thỏa thuận với những điều trái luật như vậy”, thầy Dũng kết luận.
Trí thức trẻ