Hợp tác 3 trụ cột kinh tế giữa Việt Nam và bang Tây Virginia
Ngày 25/2, Bộ Công thương Việt Nam và Bang Tây Virginia (Hoa Kỳ) đã có buổi ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng nhằm tăng cường hợp tác trong 3 lĩnh vực trụ cột này.
- 25-02-2021Đà Nẵng rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xuống 5-7 ngày nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
- 25-02-2021Trường hợp người lao động được nghỉ hưu trước tuổi kể từ 1/3
- 25-02-2021Bắc Giang đề xuất chuyển sân bay Kép thành sân bay lưỡng dụng
- 25-02-2021Nửa đầu tháng 2, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 1,5 tỷ USD
Buổi ký kết còn nhằm mục đích thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đóng góp một cách thực chất và hiệu quả vào tổng thể quan hệ song phương giữa hai nước.
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp bang Tây Virginia tiếp cận thị trường Việt Nam
Theo đó, Bộ Công thương Việt Nam và bang West Virginia đặt ra mục tiêu xác lập một khung khổ hợp tác toàn diện để thuận lợi hóa các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng; tăng cường chia sẻ thông tin về các cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ các dự án cũng như hoạt động của các doanh nghiệp hai quốc gia.
Ngoài ra, bản ghi nhớ hợp tác cũng đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, đồng thời phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên trong quá trình thực thi, thành lập Nhóm công tác chung để thúc đẩy các hoạt động hợp tác.
Bộ Công Thương và chính quyền bang Tây Virginia ký kết MOU trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng.
Tại buổi ký kết, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; hoan nghênh và đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Hạ nghị sỹ Carol Miller và Thống đốc Jim Justice trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương tại Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc xây dựng lòng tin chiến lược là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để có thể thúc đẩy một cách thực chất và bền vững quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực kinh tế thương mại nói riêng, vì lợi ích nhân dân và doanh nghiệp hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thêm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Hoa Kỳ là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam hiện đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do với 54 nước đối tác, trong đó có hầu hết là thành viên các nước G-20, do đó các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói chung và doanh nghiệp bang Tây Virginia nói riêng sẽ được tiếp cận thị trường rộng mở khi đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.
Tạo cơ hội lớn 2 bên trong các lĩnh vực là thế mạnh
Đáng chú ý, hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng tăng trưởng trong thời gian qua. Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD, đạt 90,8 tỷ USD và hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.
Tại lễ ký kết, Hạ nghị sỹ Carol Miller phát biểu, việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa bang Tây Virginia và Bộ Công thương Việt Nam là sự khởi đầu của một tình bạn bền chặt với một đối tác quan trọng, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực đối với cả hai bên, góp phần thúc đẩy sự hài hòa và cân bằng trong mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thống đốc Bang West Virginia Jim Justice nhận định, việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa rất quan trọng với hoạt động hợp tác và thương mại quốc tế của bang Tây Virginia, tạo cơ hội lớn cho cả hai bên, nhất là trong các lĩnh vực bang Tây Virginia có thế mạnh như năng lượng, nông nghiệp, hàng không.
"Đặc biệt, sản phẩm than và gỗ cứng của Tây Virginia với chất lượng vượt trội chắc chắn sẽ đáp ứng mọi tiêu chuẩn, nhu cầu phục vụ sản xuất, xuất khẩu của phía Việt Nam. Việc ký kết là minh chứng sống cho thấy một khi hai bên chung tay vun đắp thì những việc tưởng chừng như không thể sẽ được hiện thực hóa", ông Jim Justice cho hay.