MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hợp tác với Nhật Bản chống sụt lún nền đất ở TPHCM

Hệ quả của việc sụt lún có thể dễ nhận thấy nhất là làm tăng ngập lụt ở đô thị. Ảnh minh họa: Hữu Huy

Hệ quả của việc sụt lún có thể dễ nhận thấy nhất là làm tăng ngập lụt ở đô thị. Ảnh minh họa: Hữu Huy

UBND TPHCM vừa có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp một số sở ngành kết hợp với văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu toàn diện về tình trạng sụt lún tại thành phố.

Theo đó, UBND TPHCM chấp thuận đề xuất của Sở TN&MT, giao Sở này chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các chuyên gia cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng chống sụt lún nền tại TPHCM; hoàn thành trong quý IV-2022.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM còn giao Sở Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn Sở TN&MT và các đơn vị liên quan thủ tục triển khai thực hiện dự án viện trợ phi Chính phủ theo đúng quy định.

Trước đó, Sở TN&MT đã có văn bản đề xuất UBND TPHCM với các nội dung đã nêu ở trên.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, tình trạng lún tại TPHCM đã được cảnh báo nhiều năm qua là rất phức tạp. Mặc dù thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này như không cấp phép khai thác nước ngầm, không phát triển đô thị khu vực có nền địa chất yếu nhưng tình hình vẫn chưa thể cải thiện.

Sụt lún có thể dễ nhận thấy nhất là làm tăng ngập lụt ở đô thị . Trước tình trạng báo động này đòi hỏi tiêu chuẩn chống ngập phải tính tới yếu tố hạ thấp mặt đất, do đó cần phải xác định hiện trạng, cập nhật thông tin thường xuyên về cao độ nền của TPHCM để có các bước tiếp theo.

Trước đó, trong báo cáo khảo sát kết quả khảo sát liên quan đến các giải pháp ứng phó với vấn đề lún tại TPHCM, JICA chỉ ra tình trạng sụt lún nền đã và đang xảy ra trên địa bàn thành phố với độ sụt lún bình quân hàng năm khoảng 2cm/năm, cá biệt có nơi đến 6 cm/năm.

Ngoài ra, theo JICA, có những khu vực từ năm 2005 đến 2017, độ sụt lún tích lũy trong 13 năm là 23 cm (có nơi cao nhất là 81 cm). JICA cho biết Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước miền Nam (DWRPIS) đã tiến hành quan trắc lún các năm 2005, 2014, 2015 và 2017.

Công tác quan trắc được thực hiện bằng thủy chuẩn tại 19 điểm tham chiếu quốc gia có vị trí rải rác khắp TPHCM.

Mười quận có mức độ sụt lún đáng kể, bao gồm các quận 2, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, và Thủ Đức. Quận Tân Bình và Quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất.

Mức độ sụt lún ở TPHCM được ước tính bằng cách sử dụng kết quả nghiên cứu của DWRPIS, trong hơn 30 năm (1999 - 2020). Giá trị sụt lún bình quân năm cao nhất ở mức khoảng 6 cm/năm. Tại điểm có độ lún lớn nhất, tốc độ lún có thể tương tự như ở Jakarta (Pluit).

Khảo sát của JICA được thực hiện qua việc tiến hành phỏng vấn Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO). Kết quả phỏng vấn như sau: Tình trạng sụt lún nền đất ở TPHCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy ước tính khoảng 100 cm.

Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5 cm/năm. Ở những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8 cm/năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm).

Do đó, sụt lún được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó ngay để kiểm soát tình trạng sụt lún nền tại TPHCM. Các giải pháp ứng phó sụt lún nền cần được thực hiện trong thời gian dài, cần thực hiện chuyển giao công nghệ.

JICA cho rằng một trong những kế hoạch hàng đầu liên quan đến sụt lún nền đất ở TPHCM là kế hoạch kiểm soát khai thác nước ngầm quá mức, được coi là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền.

Hiện tại, ở TPHCM, lượng nước ngầm khai thác bình quân hàng ngày để sử dụng cho công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, và các mục đích sử dụng khác là hơn 577.000 m3/ngày, bao gồm cả lượng nước khai thác từ các giếng chưa đăng ký.

Dựa trên kinh nghiệm về xử lý sụt lún nền tại Tokyo và hợp tác xử lý lún tại Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), JICA đề xuất hợp tác với TPHCM nhằm đánh giá toàn diện, giải quyết vấn đề sụt lún tại thành phố.

Theo Hữu Huy

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên