MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hợp tác với Tập đoàn hàng đầu thế giới của Nga, lò phản ứng hạt nhân mới của Việt Nam có vai trò gì?

Lò phản ứng hạt nhân mới do Việt Nam và Nga hợp tác sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng, đồng thời có cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp hơn 10 tỷ USD.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam (từ ngày 19 - 20/6), Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã chứng kiến lễ trao đổi bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev, về kế hoạch triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân ở Việt Nam. Bản ghi nhớ này là một trong 11 văn kiện mà hai bên đã ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam.

Về bản ghi nhớ này, Tổng thống Putin cho biết, một trong những chủ đề thuộc chương trình nghị sự là dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân ở Việt Nam do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tiến hành và đào tạo các chuyên gia nguyên tử Việt Nam ở các trường đại học chuyên ngành của Nga.

Hợp tác với Tập đoàn hàng đầu thế giới của Nga, lò phản ứng hạt nhân mới của Việt Nam có vai trò gì?- Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom Alexey Likhachev. Ảnh: Rosatom

Theo Sputnik, Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom của Nga Alexey Likhachev cho biết, tập đoàn vẫn đang hợp tác với Việt Nam trong dự án nghiên cứu khoa học hạt nhân. "Chúng tôi luôn sẵn sàng tiến hành mở rộng hợp tác năng lượng hạt nhân với Việt Nam. Những dự án điện hạt nhân của Rosatom trong khu vực như ở Trung Quốc, Bangladesh là minh chứng cho khả năng của chúng tôi", ông Alexey Likhachev nhấn mạnh.

Theo ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một dự án về xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn.

Trên thực tế, dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân được thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ ký vào năm 2011. Dự án này đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt về chủ trương đầu tư từ năm 2018. Trung tâm dự kiến được đặt ở TP Long Khánh, Đồng Nai. Theo kế hoạch, Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể, với công suất 10 MW, có sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do phía Nga chế tạo.

Trung tâm sẽ tập trung vào lĩnh vực vật liệu chiếu xạ, đồng vị phóng xạ, khoa học sinh học, kỹ thuật lò phản ứng, an toàn bức xạ' đồng thời nghiên cứu điều chế dược chất mới trong điều trị ung thư, nghiên cứu chiếu xạ silic – vật liệu bán dẫn.

Lò phản ứng hạt nhân mới của Việt Nam sẽ có vai trò gì?

Hợp tác với Tập đoàn hàng đầu thế giới của Nga, lò phản ứng hạt nhân mới của Việt Nam có vai trò gì?- Ảnh 2.

Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: TTTT

Mới đây, trong họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều 4/7, tại Hà Nội, Bộ cho biết đang tiến hành hợp tác chặt chẽ với tập đoàn của Nga để triển khai dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai. Dự án này được đánh giá sẽ là bước ngoặt y tế mới, góp phần mang hy vọng sống cho hàng triệu bệnh nhân ung thư.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiến hành xây dựng những nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, thiết kế sử dụng kênh ngang, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn… Việc này để chuẩn bị nguồn cán bộ nghiên cứu và ứng dụng khai thác hiệu quả về lò nghiên cứu mới, đảm bảo an toàn khi Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân đi vào hoạt động.

Ngoài ra, ông Trần Chí Thành cho biết, Viện Năng lượng nguyên tử đang tiến hành triển khai với một số đơn vị ở nước ngoài, trong đó Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR), trong kế hoạch dài hạn về đào tạo cán bộ.

Hợp tác với Tập đoàn hàng đầu thế giới của Nga, lò phản ứng hạt nhân mới của Việt Nam có vai trò gì?- Ảnh 3.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành được 40 năm. Ảnh: HT

Trước Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, Việt Nam chỉ có lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành được 40 năm. Tiền thân của nó là Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt, được Mỹ xây dựng ở Đà Lạt kể từ năm 1963. Trước ngày 20/4/1975, các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân này đã được tháo dỡ để vận chuyển về Mỹ. Do đó, lò không còn khả năng hoạt động.

Tuy nhiên, vào năm 1982, Liên Xô đã giúp đỡ khôi phục, mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Do đó, từ ngày 20/3/1984, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (tên mới) được đưa vào vận hành, với công suất danh định là 500kWWt, tức là gấp 2 lần so với công suất của lò TRIGA trước đây. Trong nhiều năm qua, lò phản ứng này được sử dụng cho công tác nghiên cứu khoa học, phân tích mẫu, sản xuất thuốc phóng xạ cho y tế và công nghiệp, cũng như đào tạo nhân lực.

"Hiện nay Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sản xuất được gần 10 loại dược chất phóng xạ, nhưng lò mới có thể tăng công suất từ 5 – 7 lần", ông Trần Chí Thành cho biết.

Báo cáo từ Công ty tư vấn Exactitude của Anh chỉ ra rằng, quy mô thị trường y học hạt nhân/dược phẩm phóng xạ toàn cầu là 4,4 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên tới 10,16 tỷ USD vào năm 2029. Động lực chính đằng sau sự tăng trưởng của thị trường này là do tỷ lệ ngày càng tăng của các bệnh tật mãn tính cũng như nhu cầu dùng dược phẩm phóng xạ để chẩn đoán và điều trị ung thư.

Financial Times cho biết, Tập đoàn Rosatom hiện đóng vai trò trung tâm trong chuỗi năng lượng hạt nhân toàn cầu. Tập đoàn này hiện cung cấp hơn 1/5 lượng nhiên liệu uranium được làm giàu dùng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ và châu Âu; đáp ứng một nửa nhu cầu uranium của các quốc gia như Hungary.

Bài tham khảo nguồn: Sputnik, Most, VGP, Exactitude, FT

Theo Minh Hằng

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên