HoREA “phản pháo” đề xuất quy định diện tích ở tối thiểu nhập hộ khẩu
Hiệp hội BĐS TP.HCM vừa có ý kiến về đề xuất điều kiện nhập hộ khẩu vào TP.HCM phải đảm bảo diện tích nhà ở bình quân 20m2/người của Sở Xây dựng.
- 06-11-2017Bỏ sổ hộ khẩu có ảnh hưởng việc chuyển đổi, cho tặng đất đai?
- 04-11-2015Xây lại nhà chung cư cũ: Hộ gia đình có hai hộ khẩu được ưu tiên mua thêm căn hộ
- 01-04-2015Vẫn trình đề xuất có 8-16 m2 mới được nhập hộ khẩu
Trong khuôn khổ hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với đại diện hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 17/3, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã đưa ra nhưng kiến nghị, đề xuất để giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, sinh viên cũng như lao động nghèo.
Bên cạnh đó, với đề xuất quy định diện tích ở tối thiểu khi nhập khẩu của Sở Xây dựng Thành phố vừa trình mới đây, Chủ tịch HoREA cũng đưa ra quan điểm của hiệp hội.
Theo ông Châu, Sở Xây dựng nên xem xét lại đề xuất điều kiện nhập hộ khẩu vào TP.HCM phải đảm bảo diện tích nhà ở bình quân không thấp hơn 20m2/người. Đề xuất này chưa hợp lý hợp tình, bởi hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình đang sống trong các căn nhà rất chật hẹp, thậm chí chỉ có diện tích trên dưới 20m2 mà có đến hàng chục người trong hộ khẩu.
Chủ tịch HoREA phân tích, Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã quy định diện tích căn hộ nhà ở xã hội tối thiểu 25m2, vậy nếu vợ chồng chủ nhà này đăng ký hộ khẩu thì chẳng lẽ chỉ có 1 người được nhập hộ khẩu. Hoặc khi sinh con thì con lại không được nhập hộ khẩu vì không đạt chuẩn 20m2/người.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng đề xuất quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi nhập khẩu 20m2/người của Sở Xây dựng là chưa hợp tình hợp lý.
Ngoài ra, tại Điều 3 Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua thì mỗi phòng trọ có diện tích không nhỏ hơn 10m2, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người. |
Hơn nữa, hiện nay việc quản lý hộ khẩu đang được xem xét chuyển đổi phương thức quản lý hiện đại, áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, thông qua Đề án cấp mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị quy định điều kiện để xét nhập hộ khẩu với diện tích ở tối thiểu bình quân 15m2/người, tương tự như thành phố Hà Nội đang áp dụng 15m2/người và chỉ áp dụng đối với người nhập cư xin nhập hộ khẩu, không áp dụng điều kiện 15m2/người đối với các trường hợp xin nhập hộ khẩu do quan hệ hôn nhân, huyết thống, người bảo hộ theo pháp luật quy định.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất tăng diện tích ở bình quân lên 20m2/người đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở thuê (hoặc mượn, ở nhờ), không phân chia khu vực nội hay ngoại thành.
Theo Sở Xây dựng, việc tăng diện tích bình quân để đăng ký thường trú nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như hạn chế tình trạng người lao động nhập cư ở các tỉnh đổ về thành phố.
Quy định không áp dụng với một số trường hợp người thân trong gia đình như người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, mất sức lao động, nghỉ thôi việc về ở với anh chị em ruột. Một số trường hợp khác như người chưa thành niên không còn cha mẹ, hay còn nhưng không khả năng nuôi dưỡng; người khuyết tật, tâm thần, mất khả năng lao động, nhận thức, điều khiển hành vi về ở với người thân, người giám hộ… cũng nằm ngoài quy định.
Hiện diện tích bình quân để đăng ký thường trú tại TP.HCM được chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 gồm 19 quận là quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân với diện tích bình quân 15m2 sàn/người. Khu vực 2 gồm 5 huyện vùng ven như Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn và Củ Chi, với diện tích bình quân 10m2 sàn/người.
Infonet