MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Tái cấu trúc là đòn bẩy tăng trưởng lâu dài cho kinh tế Việt Nam

Với số liệu tăng trưởng GDP công bố trên 7% năm 2019, HSBC nhìn nhận Việt Nam một lần nữa là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN.Trên bức tranh chủ đạo nhiều màu hồng, nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều thách thức.

HSBC vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam 2019 - nhận định về 2020, trong đó chỉ ra những điểm tích cực, tiêu cực và những khuyến nghị điều chỉnh để duy trì tăng trưởng bền vững.

HSBC: Tái cấu trúc là đòn bẩy tăng trưởng lâu dài cho kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh số liệu tăng trưởng GDP công bố ở mức trên 7%, cao nhất khu vực, lạm phát năm 2019 cũng được kiểm soát ở mức thấp - 2,8%. Tuy nhiên trong 2 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã nhảy vọt, tăng lên mức 5,2% vào tháng 12, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt heo (thực phẩm quan trọng của người Việt) tăng mạnh, bất chấp những nỗ lực kìm giá của nhà chức trách. Tình trạng này có thể tiếp tục tạo áp lực lên lạm phát những tháng tới, khi mà nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao. Thêm nữa, tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2020 cũng sẽ là nhân tố khác tạo áp lực lên lạm phát. 

HSBC dự báo, lạm phát 2020 ở mức 3,8%, tương đối sát với giới hạn mà Chính phủ đề ra là 4%. Điều này có thể gây khó cho chính sách nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành. Do vậy định chế tài chính này cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ trì hoãn việc giảm 25 điểm cơ bản lãi suất sang quý III, thay vì quý II như dự đoán trước đó. Đồng thời, áp lực lạm phát tăng cũng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Chính phủ về cải cách chăm sóc sức khỏe (bởi người dân phải chi nhiều tiền hơn) và tiến trình củng cố ngân sách. 

Báo cáo của HSBC cũng nhận định, Việt Nam được dự báo là được hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng “cơn gió ngược” bên ngoài vẫn là rủi ro lớn nhất với tăng trưởng Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu tương đương hơn 100% quy mô nền kinh tế và phụ thuộc nhiều vào top 3 thị trường (Mỹ, Trung Quốc và EU) nên tăng trưởng của Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động khi những thị trường này có sự suy giảm. Những số liệu từ khu vực sản xuất của Việt Nam đã phần nào cho thấy điều này. Ví dụ, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại, giảm tốc từ 9% trong 10 tháng đầu năm xuống mức 2,5% trong 2 tháng cuối năm vừa qua. Đồng thời, chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) cũng cho thấy xu hướng giảm, và đơn hàng xuất khẩu mới đều giảm xuống mức 50%, báo hiệu cầu nước ngoài giảm.

HSBC: Tái cấu trúc là đòn bẩy tăng trưởng lâu dài cho kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Biểu đồ cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IP, trái) và chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) có xu hướng giảm trong 2 tháng cuối năm. Ảnh: HSBC.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều cải cách để duy trì tăng trưởng cao và bền vững. HSBC cho rằng nền kinh tế cần tiếp tục được cải cách một cách liên tục và mạnh mẽ để duy trì tăng trưởng một cách bền vững.

Trước tiên, cơ sở hạ tầng là lĩnh vực quan trọng. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp nhưng nhu cầu nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng mới rất cần thiết, thì quan hệ đối tác công tư (PPP) sẽ là giải pháp mang đến một nguồn tài chính "lý tưởng" cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, việc cải cách nhiều hơn nữa là cần thiết để giải quyết những thách thức khi triển khai PPP để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Trong đó, việc thông qua Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong năm nay là cơ sở và nền tảng để giải quyết những thách thức còn lại liên quan đến nhà đầu tư.

HSBC khuyến nghị cải cách trong ngành ngân hàng cũng cần thiết. Từ ngày 1/1, hầu hết ngân hàng tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn Basel II, với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 8%. Chỉ số này đã giảm liên tiếp từ năm 2013, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, trong khi số, các ngân hàng SOE ổn định ở mức 9,8% tính đến tháng 9/2019. Tính đến ngày 25/12, có 18 ngân hàng (16 trong nước và 2 nước ngoài) đã đáp ứng được Basel II.  Không chỉ các ngân hàng lớn, mà các ngân hàng nhỏ cũng đứng trước áp lực tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn mới.

HSBC cũng cho rằng, cải thiện phát hành dữ liệu kịp thời là cách cần thiết để quản lý rủi ro và đánh giá kinh tế tốt hơn. Ví dụ, số liệu tổng quan và nhất quán trong lĩnh vực bất động sản, nợ của khu vực tư nhân, thu và chi tiêu ngân sách... giúp các nhà điều hành kinh tế ra quyết định nhanh hơn.

Trong báo cáo của mình, HSBC cũng nhắc đến việc Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, giúp GDP tăng trưởng thực tế 0,3 điểm % mỗi năm và tăng 26% cho cả giai đoạn. Điều này giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách quy mô kinh tế với Philippines. Đánh giá lại GDP có ý nghĩa sâu sắc ở nhiều khía cạnh. Ví dụ tỷ lệ nợ công trên GDP giảm trung bình 11,5ppt hàng năm, xuống dưới 50% GDP năm 2017, nhưng chỉ số này không thay đổi trong năm 2018.

Tổng quan, HSBC tin rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay vẫn sẽ tích cực và duy trì tăng trưởng 6,6%. Do dòng vốn FDI tiếp tục bổ sung cho năng lực sản xuất và lĩnh vực sản xuất có thể duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đồng thời, các hiệp định thương mại mới, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định toàn diện và tiến bộ về quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ mang lại cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ vẫn duy trì như một động năng tăng trưởng, nhờ du lịch và tiêu dùng nội địa.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên