HSBC: Thế hệ sau 8x có cái nhìn thiếu thực tế về kế hoạch nghỉ hưu của bản thân
Phần lớn những người trẻ, dù còn có cái nhìn thiếu thực tế đối với tương lai hưu trí nhưng đã bắt đầu tiết kiệm với độ tuổi tiết kiệm trung bình là 26 tuổi.
- 26-10-2016Giữ nguyên tuổi hưu có thể gây mất cân đối quỹ hưu trí
- 14-10-2016Tăng tuổi hưu vì lo hụt quỹ hưu trí
- 13-05-2016Chế độ hưu trí đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
- 17-02-2016Thay đổi đặc biệt ở quỹ hưu trí lớn nhất thế giới
Kết quả khảo sát hơn 18.000 người, ở 16 quốc gia của HSBC mới đây cho thấy những người trẻ kì vọng nghỉ hưu sớm hơn so với những người trong độ tuổi lao động thuộc các thế hệ trước đó.
Độ tuổi trung bình mà họ dự định về hưu là 59 tuổi, sớm hơn 2 năm so với những người còn lại trong độ tuổi lao động với dự định nghỉ hưu ở tuổi 61.
Bên cạnh đó, chỉ có 10% những người trẻ dự tính đi làm sau 65 tuổi – ngay cả khi thế hệ của họ đang đối mặt với các áp lực tài chính chưa từng có và độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của nhà nước có xu hướng tiếp tục tăng lên trên toàn cầu.
Chưa kể, mặc dù có đến 59% những người trẻ đồng ý rằng họ sẽ sống thọ hơn và cần phải lo liệu cho bản thân lâu hơn các thế hệ trước, nghỉ hưu sớm vẫn là suy nghĩ phổ biến trong thế hệ trẻ.
“Hầu hết những người thuộc thế hệ trẻ (sinh năm 1980 – 1997) có cái nhìn thiếu thực tế về tương lại hưu trí của bản thân”, HSBC nhận xét.
Ngược với cái nhìn thiếu thực tế của giới trẻ, thì triển vọng hưu trí của những người trẻ được cho là ảm đạm hơn bất kỳ thế hệ nào. Chỉ 10% những người tham gia khảo sát nghĩ rằng thế hệ trẻ đang có vị thế thuận lợi nhất để có được một tương lai hưu trí an nhàn, trong khi 42% cho rằng vị thế đó thuộc về những người sinh trưởng trong thời bùng nổ dân số (Baby Boomers).
Trong cuộc khảo sát, HSBC cũng đề cập đến vai trò của quỹ hưu trí. Theo đó, có 37% những người trong độ tuổi lao động cho biết họ trông cậy vào quỹ hưu trí của nhà nước và BHXH để hỗ trợ trang trải cho thời kì về hưu của mình.
Nhưng trong bối cảnh già hóa dân số và tình trạng căng thẳng ngân sách tại nhiều quốc gia, 65% số người được khảo sát lo lắng rằng sự suy giảm của quỹ hưu trí/ BHXH sẽ ảnh hưởng đến tương lai hưu trí của họ. Có 24% nghĩ rằng các quỹ hưu trí của nhà nước sẽ không còn khi họ về hưu.
Ngoài ra, có 77% những người thuộc độ tuổi lao động tin rằng những người về hưu sau này sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các chi phí y tế.
Trước tình hình đó, Việt Nam cũng bắt đầu cảm nhận được sức nóng của vấn đề. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động đang có xu hướng nghỉ hưu sớm mặc dù tuổi nghỉ hưu chính thức của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng, trung bình đạt 75.6 – cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore (82.6) và cao hơn Malaysia (74.7).
Nghỉ hưu sớm trong bối cảnh tuổi thọ ngày càng tăng đang tạo ra một sức ép lớn lên quỹ BHXH. Theo dự báo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước sẽ tiến tới mức thu bằng chi vào năm 2020 và sẽ rơi vào tình trạng chi vượt thu, phải cần đến sự trợ giúp từ ngân sách chính phủ vào năm 2037 nếu tuổi nghỉ hưu vẫn được giữ nguyên như hiện tại.
Mặc dù cái nhìn của thế hệ trẻ đối với tương lai hưu trí còn thiếu tính thực tế, phần lớn trong số họ (68%) đã bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí, với độ tuổi tiết kiệm trung bình là 26 tuổi.
Hiện BĐS được xem là một kênh đầu tư tốt gữa bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Khoảng 47% những người thuộc độ tuổi lao động nghĩ rằng đầu tư vào BĐS sẽ mang lại lợi nhuận khả quan nhất, 38% chọn hình thức tiết kiệm tiền, 29% chọn đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán, 22% chọn bảo hiểm hưu trí cá nhân, 20% chọn gói hưu trí do công ty cung cấp, và 13% chọn trái phiếu chính phủ/doanh nghiệp.
So với các thế hệ đi trước, những người trẻ khi đầu tư có xu hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn để thúc đẩy gia tăng tiết kiệm hưu trí, với 39% người trẻ cho biết họ sẵn sàng đầu tư mạo hiểm để đạt được ổn định về tài chính, so với 33% người thuộc thế hệ X và 22% người thuộc thế hệ thời bùng nổ dân số.
Có 65% những người trẻ cho biết họ sẵn sàng cắt giảm chi tiêu cho mục tiêu tiết kiệm, so với 59% thuộc thệ hệ X và 54% thuộc thế hệ thời bùng nổ dân số.
Trong khi đó có 61% những người trẻ cho biết họ chủ động tìm kiếm thông tin để được hướng dẫn ra các quyết định về tài chính, so với 56% thuộc thế hệ X và 50% thuộc thế hệ thời bùng nổ dân số. Một nửa trong số họ (51%) chủ động luân chuyển dòng tiền để đạt được lợi nhuận tốt hơn, so với 45% thuộc thế hệ X và 39% thuộc thế hệ thời bùng nổ dân số.
Báo cáo của HSBC cũng đồng thời chỉ ra 4 bước giúp lập kế hoạch nhằm cải thiện tình trạng tài chính khi về hưu:
1. Có cái nhìn thiết thực về tương lai hưu trí
Tiết kiệm sớm hơn và nhiều hơn để đảm bảo bạn có sự chuẩn bị chu đáo cho thời kì hưu trí an nhàn và kéo dài. Sự chuẩn bị này phải bao gồm dự trù các chi phí y tế có thể cần đến lúc tuổi già.
2. Cân nhắc các nguồn tài chính khác nhau
Cân bằng các hình thức tiết kiệm và đầu tư cho hưu trí để phân tán rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận. Cần suy nghĩ thực tế khi đặt ra các kì vọng lợi nhuận từ đầu tư.
3. Lập kế hoạch ứng phó với những sự kiện bất ngờ
Những sự kiện bất ngờ có thể tác động lớn đến quỹ hưu trí của bạn. Khi lập kế hoạch hưu trí cần phải tính đến các tình huống xấu nhất và cân nhắc hình thức bảo hiểm phù hợp để đảm bảo mục tiêu tài chính dành cho hưu trí.
4. Tận dụng sự phát triển công nghệ
Tận dụng công nghệ mới để lên kế hoạch hưu trí dễ dàng hơn. Các công cụ trực tuyến có thể giúp bạn hiểu được các nhu cầu tài chính cho độ tuổi hưu trí và theo dõi tiến triển.