MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hứng chịu liên hoàn chục nghìn lệnh trừng phạt làm chặn đứng nguồn USD, quốc gia chủ tịch luân phiên BRICS đưa ra giải pháp không ngờ

27-08-2024 - 13:02 PM | Tài chính quốc tế

Nga đang tìm kiếm những cách thức mới để thực hiện giao dịch thanh toán trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.

Hứng chịu liên hoàn chục nghìn lệnh trừng phạt làm chặn đứng nguồn USD, quốc gia chủ tịch luân phiên BRICS đưa ra giải pháp không ngờ- Ảnh 1.

Nga hiện có kế hoạch thử nghiệm tài sản kỹ thuật số để thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, nước này vốn dĩ có luật chống tiền số.

Các nguồn thạo tin cho biết Moscow sẽ khởi xướng các cuộc thử nghiệm trao đổi tiền điện tử sớm nhất là vào ngày 1/9. Mục đích là để giảm bớt khó khăn cho các nhà xuất khẩu của Nga trong việc thanh toán, do các hạn chế liên quan đến xung đột Nga – Ukraine.

Nguồn tin cho biết Hệ thống Thẻ Thanh toán Quốc gia sẽ được sử dụng để hoán đổi thử nghiệm giữa rúp và tiền điện tử. Mạng lưới này được chọn vì các chức năng hiện có, chẳng hạn như tính năng thanh toán và bù trừ liên ngân hàng. Hệ thống này cũng được ngân hàng trung ương quản lý đầy đủ.

Nếu thành công, thử nghiệm này có thể cung cấp cho Nga một phương thức thanh toán mới trong các giao dịch xuyên biên giới. Các vấn đề về thanh toán vốn khiến việc mua vật tư nước ngoài trở nên khó khăn và khiến các nhà xuất khẩu phải vật lộn với nhiều khó khăn.

Vấn đề ngày một nghiêm trọng khi Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt mới vào tháng 6, nhắm vào các bên cho vay nước ngoài thân thiện với Nga. Do các tổ chức toàn cầu phụ thuộc vào khả năng tiếp cận đồng USD, nên mối đe dọa về các lệnh trừng phạt thứ cấp đã buộc nhiều tổ chức phải cắt đứt quan hệ với Moscow.

Ví dụ, hầu hết các ngân hàng Trung Quốc đã dừng thanh toán bằng nhân dân tệ cho Nga. Dù rằng, đồng nhân dân tệ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện tại của Nga. Trong khi đó, Moscow không thể dựa vào các loại tiền tệ phương Tây như USD, sau khi quốc gia này bị loại khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.

Việc Moscow có thể chấp nhận tiền kỹ thuật số là một sự nhượng bộ lớn. Nhiều năm qua, Nga phản đối tiền số và từng đề xuất lệnh cấm toàn diện vào năm 2022. Ngay cả khi tiền điện tử được áp dụng trong thanh toán quốc tế, việc sử dụng tiền điện tử trong nước vẫn bị hạn chế.

Sự thay đổi về mặt pháp lý diễn ra vào ngày 8/8, khi Tổng thống Vladimir Putin hợp pháp hóa việc tạo ra một khuôn khổ tiền điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, Tổng thống Putin đã ký thành luật một dự luật cho phép khai thác tiền điện tử trong nước.

Cuối cùng, Nga có thể cho phép Sàn Giao dịch Tiền tệ Moscow và Sàn Giao dịch Tiền tệ St. Petersburg tạo ra các nền tảng tiền điện tử vào năm tới. Về các sàn giao dịch tiền điện tử truyền thống, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thừa nhận rằng điều này có vẻ ít khả thi hơn.

"Chúng tôi vẫn chưa tìm ra giải pháp để thực hiện việc này", ông phát biểu tại một diễn đàn vào ngày 14/8 và được hãng thông tấn Tass đưa tin.

BRICS là một khối bao gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Vào ngày 1/1/2024, năm thành viên mới chính thức gia nhập BRICS bao gồm Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út và Ethiopia. Ngày 2/1/2024, Nga đã đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên một năm của BRICS.

Theo MI

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên