MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hứng chịu những cú sốc lớn và diễn ra triền miên, kinh tế Hồng Kông sụt giảm kỷ lục, nghiêm trọng hơn trong khủng hoảng tài chính

04-05-2020 - 11:41 AM | Tài chính quốc tế

Theo số liệu mới đây công bố, Hồng Kông hiện đang trong giai đoạn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ở những năm 1990, khi sự bùng phát của dịch bệnh khiến nền kinh tế vốn đã suy yếu vì bất ổn chính trị còn rơi và suy thoái nghiêm trọng hơn.

Mới đây, theo số liệu của chính quyền thành phố, kinh tế Hồng Kông tăng trưởng -8,9% trong quý đầu tiên so với năm trước. Con số này thậm chí còn vượt qua mức giảm kỷ lục 8,3% trước đó trong quý III/1998 và giảm 7,8% trong quý đầu năm 2009. 

Ngay cả khi thành phố này chuẩn bị nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đã có chiều hướng tích cực hơn, thì cú sốc đối với thương mại toàn cầu và mối đe doạ về tình trạng bất ổn chính trị có thể khiến nền kinh tế Hồng Kông tiếp tục chìm sâu trong suy thoái. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp cũng gia tăng khi ngành du lịch, bán lẻ, vận tải và các ngành khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Qian Wan– kinh tế gia tại Bloomberg Intelligence, nhận định: "Đối mặt với tình trạng nhu cầu trên toàn thế giới sụt giảm nghiêm trọng, nền kinh tế nhỏ và mở của Hồng Kông đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nền kinh tế định hướng thương mại và dịch vụ này sẽ chịu lực cản lớn từ cuộc suy thoái toàn cầu."  

Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông - Paul Chan cũng đưa ra dấu hiệu rằng số liệu của năm nay thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. Tăng trưởng GDP của Hồng Kông đã sụt giảm ở nửa cuối năm ngoái trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra triền miên.

Hứng chịu những cú sốc lớn và diễn ra triền miên, kinh tế Hồng Kông sụt giảm kỷ lục, nghiêm trọng hơn trong khủng hoảng tài chính - Ảnh 1.

Tác động của tình trạng suy thoái kéo dài có thể dễ dàng nhận thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố, khi họ vốn đã phải chịu ảnh hưởng từ những cuộc biểu tình diễn ra từ năm ngoái và hiện tại là Covid-19. Todd Handcock– chủ tịch Phòng Thương mại Canada, cho biết: "Năm nay thực sự là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hồng Kông. Có một điều là một số doanh nghiệp sẽ không thể sống sót và trong khi số khác sẽ chịu khó khăn trong một thời gian rất dài."

Theo số liệu của chính phủ, tính đến tháng 12/2019, 340.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 98% tổng số đơn vị kinh doanh và sử dụng khoảng 1,3 triệu lao động tại Hồng Kông. Trong khi đó, trong tháng 3, niềm tin của các doanh nghiệp này đã ở gần mức thấp kỷ lục, trong khi những công ty có nhu cầu đi vay tăng lên mức cao nhất trong gần 4 năm là 8,8%.

Bella Dobie– đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty marketing Orijen, cho biết: "Nếu tất cả chúng tôi đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố sẽ tăng vọt. Nền kinh tế Hồng Kông đã gặp nhiều khó khăn kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra và Covid-19 chỉ là một yếu tố khiến vấn đề trầm trọng gấp đôi."

Hứng chịu những cú sốc lớn và diễn ra triền miên, kinh tế Hồng Kông sụt giảm kỷ lục, nghiêm trọng hơn trong khủng hoảng tài chính - Ảnh 2.

Cho đến nay, chính quyền thành phố đã thực hiện những biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm, bằng cách tung ra nhiều vòng chi tiêu kích thích, nổi bật nhất là chương trình trợ cấp lương 80 tỷ HKD dự kiến sẽ bắt đầu áp dụng cho đến tháng 6. Các doanh nghiệp "sống sót" có thể sẽ thay đổi với quy mô hoạt động nhỏ hơn, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn có thể khiến các các công việc vốn có sẽ không trở lại. Tổng số việc làm tại thành phố này đã giảm ở mức kỷ lục 3,6% trong tháng 3.

Tính đến tháng 12, số lượng vị trí đang tuyển dụng trong khu vực tư nhân của Hồng Kông là khoảng 54.000, giảm 30% so với 1 năm trước. Cơ hội việc làm trong các ngành bán lẻ, dịch vụ lưu trú và thực phẩm lần lượt giảm mạnh ở mức 44% và 65%.

Ngoài ra, rủi ro về việc các cuộc biểu tình sẽ diễn ra trở lại khi dịch bệnh kết thúc và các quy định cấm tụ tập đám đông cũng có thể khiến những tác động đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế kéo dài lâu hơn.

Tommy Wu – chuyên gia kinh tế cấp cao của Oxford Economics tại Hồng Kông, nhận định: "Tác động của dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể kéo dài lâu hơn dự kiến và tình trạng bất ổn ở Hồng Kông có thể sẽ leo thang trở lại. Cả 2 yếu tố này sẽ tạo ra những rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông. Nền kinh tế của thành phố này sẽ tiếp tục bị ‘vùi dập’ bởi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và hoạt động kinh doanh đóng cửa từ quý II."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên