Hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Chưa có phương án tối ưu
Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu, các giải pháp nhằm hạn chế rút bảo hiểm một lần… là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu.
- 18-08-2023Tiến tới đóng bảo hiểm xã hội 10 năm
- 17-08-2023Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất thêm phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
- 17-08-2023Lộ trình giảm đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm xuống 10 năm
Giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 năm
Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, linh hoạt, mở rộng diện bao phủ. Dự thảo luật bổ sung quy định, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.
Ông Dung cho biết, quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc.
Về thời gian đóng, Bộ trưởng lý giải, việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm. Do vậy, lần sửa đổi này theo hướng thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. “Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế”, ông Dung lý giải.
Đồng tình với phương án giảm thời gian đóng BHXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải, tình trạng rút BHXH một lần diễn ra vừa qua, do thời gian đóng quá dài, hiện ở mức 20 năm. “Trong lúc khó khăn bởi đại dịch như vậy, giữa 20 năm sau với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt, vì thấy sau 20 năm dài quá”, Chủ tịch Quốc hội nói. Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương cũng đưa ra lộ trình, thời gian đóng BHXH sẽ hướng đến 10 năm, có giai đoạn trung gian là 15 năm. Do vậy, ngoài đề xuất thời gian đóng 15 năm, nếu xác định lộ trình giảm xuống còn 10 năm nữa thì “sẽ rất tốt”.
Giải trình về giảm thời gian đóng xuống 10 năm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là một “mong muốn” nhưng cũng rất khó. “Nếu giảm xuống 10 năm thì mức lương hưu thấp quá. Chính phủ đang cân nhắc theo thông lệ đóng ít, hưởng ít, nhưng trước hết, trong nhiệm kỳ này sẽ giảm xuống 15 năm cho phù hợp”, ông Dung nói.
Có thể tích hợp hai phương án
Điểm đáng lưu ý khác, dự thảo đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần. Phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Trong đó, nhóm 1 là đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lầ.; Còn nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phương án 2 có phần “mềm dẻo, hài hòa hơn”. Qua nghiên cứu, ông đề xuất một phương án có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án. Cụ thể, đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút, nhưng chỉ rút phần đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. “Việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm như việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trước đây. Lúc đầu dự kiến 3 phương án, rồi sau gom lại còn 2, trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động. Thừa nhận “chưa có phương án tối ưu”, nhưng theo ông, ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được. “Ban soạn thảo ngồi với rất nhiều cơ quan, tính toán xem có thể thay thế bằng hình thức khác để người lao động không phải rút hay không. Ví dụ giải pháp về tín dụng, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng nhưng cũng chưa đến tận cùng vấn đề, cần tiếp tục bàn”, ông Dung cho hay.
Đề xuất hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động trốn BHXH
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến tỷ lệ đóng BHXH. Mức đóng hiện nay là 17% của doanh nghiệp, cộng với 25% người lao động, tổng cộng trên 32%. Theo ông, mức này quá cao và doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng xuống 20%: người lao động 5%, còn doanh nghiệp 15%.
Về tình trạng trốn đóng BHXH bắt buộc, dự thảo bỏ khái niệm chậm đóng, chỉ quy định trốn đóng, và đề xuất các chế tài: quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Ông Công đề nghị khôi phục khái niệm chậm đóng, còn với trường hợp trốn đóng, ông đồng tình phải xử lý nghiêm.
Tiền phong