MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hướng đến Việt Nam thịnh vượng, "tài sản" quốc gia nên được tiêu dùng như thế nào?

Vấn đề bền vững trong sử dụng vốn tự nhiên và xã hội ngày càng được quan tâm khi mà con người càng nhận thức được rằng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị sử dụng một cách kém hiệu quả và cạn kiệt dần.

Một thành phần quan trọng trong phát triển là vốn và nguồn lực. Trong phát triển kinh tế, tiền mặt và các yếu tố vật thể như máy móc, bất động sản do chủ thể tạo nên hay thừa hưởng được coi là vốn. Nhưng trong phát triển bền vững, vốn được hiểu rộng hơn và gồm có các loại như vốn xã hội, tự nhiên và nhân tạo, theo tác giả Emas. Đồng thời, vấn đề vốn nhân tạo có thể thay thế được vốn xã hội hay vốn tự nhiên một cách bền vững hay không cũng cần được xem xét, theo nghiên cứu của Stoddart.

Vấn đề bền vững trong sử dụng vốn tự nhiên và xã hội ngày càng được quan tâm khi mà con người càng nhận thức được rằng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng hóa thạch, khoáng sản, quỹ đất, rừng và biển đang bị sử dụng một cách kém hiệu quả và cạn kiệt dần, các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, ấm lên toàn cầu, nước biển dâng và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Việt Nam là nước đang phát triển nên có được rất nhiều bài học đa dạng về sử dụng vốn và nguồn lực từ nhiều nước phát triển khác. Bởi vậy, hoàn toàn không có lý do gì mà Việt Nam lặp lại những phát triển thiếu bền vững đã từng diễn ra ở các nước khác. Vì vậy, một số bài học về sử dụng vốn xã hội và tự nhiên như năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và nhân lực sẽ được trình bày sau đây.

Năng lượng, môi trường và phát triển kinh tế ở Việt Nam: Tỷ lệ giữa tăng tiêu thụ điện năng và tăng trưởng GDP (còn gọi là hệ số đàn hồi điện năng) ở Việt Nam rất cao, hơn Trung Quốc 90% và hơn Thái Lan và Indonesia 80%. 

Hướng đến Việt Nam thịnh vượng, tài sản quốc gia nên được tiêu dùng như thế nào? - Ảnh 1.

Tỷ lệ giữa tăng tiêu thụ điện năng và tăng trưởng GDP ở Việt Nam và một số nước (2003 – 2012), theo US EIA và IMF

Các nguyên nhân chính, theo báo cáo năm 2015 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ở Việt Nam việc sử dụng năng lượng và nhiên liệu trong các ngành công nghiệp, nhà ở, giao thông và dịch vụ đều có hiệu quả thấp, đồng thời có nhiều ngành công nghiệp nặng tiêu tốn nhiều năng lượng nên tổng nhu cầu về năng lượng tăng nhanh hơn GDP nhiều lần. Cũng theo số liệu của ADB và Ngân hàng thế giới (WB), ở nước ta do phát triển thủy điện đã đạt tới hạn, nhiệt điện than tăng nhanh sau 2010, và trong giai đoạn 1990 – 2013 mức tăng trung bình của sản xuất điện hằng năm là 12,5%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP (6,9%). 

Bất cập hơn, việc phát triển điện than còn làm tăng các nguồn phát thải độc hại và ô nhiễm không khí như rất nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, và làm giảm an ninh năng lượng của Việt Nam do nhiên liệu than đá phải nhập khẩu và ngày càng đắt.

Bởi vậy giải pháp đề ra là đẩy mạnh và tạo cơ chế khuyến khích phát triển các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng, các giải pháp tiết kiệm điện năng và nhiên liệu một cách toàn diện ở các ngành và các đối tượng tham gia (nhà nước, tư nhân, cơ quan quản lý, phần mềm và thiết bị). Đồng thời đẩy mạnh và tạo cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sạch có tiềm năng lớn ở nước ta như gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, khí sinh học, địa nhiệt, .v.v. một cách đồng bộ và quy củ từ khảo sát tiềm năng, quy hoạch và ứng dụng công nghệ mới và bền vững.

Sử dụng tài nguyên, đất, rừng, đô thị hóa, môi trường và phát triển vùng ở Việt Nam: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và đất rừng sang công nghiệp cũng như ảnh hưởng về dịch chuyển nguồn lực xã hội và hệ sinh thái đã được nhiều nghiên cứu nói đến.

Trong đô thị hóa, xu hướng xây nhà chung cư cao tầng là một giải pháp lạc hậu và nhiều nhược điểm, được áp dụng cho các thành phố thiếu quỹ đất ở mấy thập kỷ trước và hiện nay không phải là một giải pháp bền vững, theo nghiên cứu gần đây của Klopp and Petretta.

Nhiều nhược điểm của chung cư cao tầng như vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông tĩnh và động, hệ thống dịch vụ công như mầm non, trường học, bệnh viện và khu vui chơi giải trí.

Philippe Honnorat, lãnh đạo của một công ty dịch vụ xây dựng WSP ở Anh, cho biết rằng nhà cao tầng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cho vận hành thang máy, hệ thống điều hòa và nước sinh hoạt để đạt độ tiện nghi như nhà thấp tầng.

Với sự quá tải dịch vụ công và hệ thống giao thông, cư dân nhà cao tầng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn cho di chuyển, và sẽ phải ở lại nhà trong ngày nghỉ – tiêu tốn nhiều năng lượng mà lại có hại cho tái tao sức lao động, thay vì đi đến các công viên và khu vui chơi giải trí.

Giải pháp đề ra là cần có chính sách chặt chẽ trong sử dụng tài nguyên đất và rừng, và đẩy mạnh phát triển đô thị phân tán thay vì các siêu đô thị đã bộc lộ nhiều yếu điểm không thể khắc phục. Cần chặt chẽ hơn trong phát triển chung cư cao tầng để đảm bảo phát triển đồng bộ và bền vững các dịch công cho cư dân, đảm bảo tái tạo sức lao động và không tiêu phí năng lượng, thời gian và nhân lực.

Sử dụng vốn xã hội và nhân lực: Một vấn đề gay cấn ở các nước, nhất là ở các đô thị lớn, là nhiều nhân lực phải làm việc nhiều giờ, thay đổi ca và di chuyển lâu hơn bình thường trong mỗi ngày. Giáo sư Harrington từ Viện Sức khỏe lao động thuộc Đại học Birmingham đã nghiên cứu và tổng hợp nhiều ảnh hưởng của làm việc quá nhiều giờ và ca đêm lên sức khỏe và đời sống người lao động như thay đổi nhịp sinh học, giảm năng suất lao động, rối loạn tim mạch, và suy giảm khả năng và chất lượng sinh sản.

Nhịp sinh học tự nhiên của động vật có vú như con người có chu kỳ 25 giờ bao gồm nhiệt độ cơ thể, hô hấp, bài tiết nước tiểu, phân chia tế bào và sản sinh hóc môn, và được điều tiết bởi các yếu tố bên ngoài như chu kỳ tối và ánh sáng và khí hậu.

Vì vậy, việc làm quá giờ hay ca đêm sẽ thay đổi nhịp sinh học tự nhiên, dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi và suy giảm sức khỏe đồng thời giảm năng suất làm việc. Đồng thời, Giáo sư Harrington cũng chỉ ra rằng những người làm việc nhiều giờ hoặc đổi ca thường gián đoạn đáng kể các hoạt động xã hội và gia đình như chăm sóc trẻ, làm việc nhà, mua sắm, và có thể dẫn đến căng thẳng trong hôn nhân và rối loạn trong gia đình, và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và năng suất lao động.

Ngoài ra, làm việc nhiều giờ hoặc đổi ca cũng gây ra lo lắng và trầm cảm và có tác động bất lợi đối với sức khoẻ tâm thần. Hơn nữa, nhiều bằng chứng mới từ các nghiên cứu của các nước Scandinavia cho thấy rằng công nhân làm việc đổi ca có nguy cơ gia tăng 40% các bệnh rối loạn tim mạch như đau thắt ngực, cao huyết áp và nhồi máu cơ tim.

Một nghiên cứu từ California cho thấy tỷ lệ bệnh động mạch vành tăng lên đối với nhóm nghề nghiệp nam giới làm việc trên 48 giờ trong một tuần. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng làm việc theo ca và đặc biệt là vào ban đêm có thể gây ra những rủi ro đặc biệt cho phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ và gây nhiều hậu quả lâu dài.

Do vậy, các vấn đề năng lượng, môi trường, tài nguyên, nhân lực, đô thị hóa, phát triển kinh tế và phát triển vùng đều có mối liên quan chặt chẽ, tương tác lẫn nhau và không thể giải quyết riêng từng vấn đề. Vì vậy, trong phát triển bền vững thực sự, cần lồng ghép vấn đề trên trên cũng như các mối quan tâm lên các khía cạnh của các chính sách và giải pháp phát triển.

TS Đinh Văn Nguyên hiện là Trưởng dự án đa ngành phát triển điện gió ngoài khơi của Chính phủ Cộng hòa Ai-len. Ông từng tham gia tư vấn về tăng trưởng bền vững (công nghệ và chiến lược mới, thị trường mới) cho một số tập đoàn và công ty về năng lượng, dầu khí và xây dựng và các cơ quan chính phủ. Ông từng là kỹ sư chính tại Tập đoàn kỹ thuật năng lượng và dầu khí Wood (Anh quốc), Nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Trinity (Dublin, Cộng hòa Ai-len) và Đại học Konkuk (Seoul, Hàn Quốc).

TS. Đinh Văn Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên