Hướng tới sự minh bạch trong tính lãi
Dự thảo Thông tư quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD và khách hàng sẽ tạo sự minh bạch hơn nữa.
Số ngày tính lãi trong 1 năm là 365 ngày
Sau khi ban hành hàng loạt thông tư vào cuối năm ngoái nhằm đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý theo Bộ luật Dân sự năm 2015, NHNN đang tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các văn bản liên quan tới phương pháp tính lãi trong hoạt động huy động vốn và cho vay. Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD và khách hàng, do Vụ Tài chính - Kế toán (NHNN) tổ chức ngày 11/5, các đại biểu đã thảo luận khá sôi nổi về các quy định mới.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, hiện nay các TCTD đang áp dụng phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi theo Quyết định 652/2001/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dịch vụ của các TCTD cũng như sự thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kế toán năm 2015, một số quy định của Quyết định 652 đã không còn phù hợp.
Thực tiễn cho thấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây đã phát sinh một số tranh chấp giữa TCTD với khách hàng nên cần thiết phải có một quy định mới thay thế. Vào cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 38/2016/TT-NHNN quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa NHNN Việt Nam với TCTD và các tổ chức khác, đồng thời cũng đã sửa một phần Quyết định 652. Nhưng trước yêu cầu thực tiễn, NHNN đang trong quá trình xây dựng Thông tư mới để hướng dẫn phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng.
“Sau 3 lần lấy ý kiến bằng văn bản, Vụ Tài chính - Kế toán đã hoàn thiện dự thảo Thông tư và có văn bản trả lời các vướng mắc và đề xuất của các đơn vị đối với dự thảo Thông tư này”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
Các đại biểu đại diện các TCTD tham gia hội thảo đã tập trung vào thảo luận các nội dung như số ngày tính lãi trong năm, số dư gốc để tính lãi, những vấn đề về minh bạch lãi suất… Theo đại diện một NHTMCP, hiện nay khá nhiều NH đang áp dụng phương pháp tính lãi của hoạt động tiền gửi, tiền vay được xây dựng trên số ngày của năm là 360 ngày. Nhưng theo dự thảo Thông tư phương pháp tính lãi được xây dựng trên cơ sở số ngày của năm là 365 ngày.
Tuy nhiên, việc thay đổi số ngày tính lãi trong một năm từ 360 ngày chuyển sang 365 ngày có thể sẽ khiến một số NH gặp không ít khó khăn. Giả sử Thông tư này có hiệu lực từ đầu năm 2018 thì những khoản tiền gửi hợp đồng trước thời hạn Thông tư có hiệu lực sẽ được xử lý thế nào? Và liệu khi đã sửa phần mềm thì có song hành 2 cách theo dõi hợp đồng ký của những năm trước đó hay không?
Trả lời về vấn đề này, theo Ban soạn thảo, số ngày tính lãi trong một năm là 365 ngày là đã được quy định Bộ luật Dân sự năm 2015, và cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay. Quy định này là đảm bảo tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động của NH; xử lý được các vướng mắc với khách hàng trong thời gian qua. Thực tế, khi tham khảo các nhà làm luật cũng cho thấy có tới 2/3 các nước theo chuẩn lấy ngày tính lãi trong một năm là 365 ngày, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cần cân nhắc, hoàn thiện một số nội dung
Đại diện Vietcombank cho rằng, việc thay đổi các quy định như dự thảo Thông tư là cần thiết vì từ cuối năm 2016 đến giờ NHNN đã ban hành hàng loạt thông tư như Thông tư 38, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng. Mặc dù các thông tư này không liên quan trực tiếp tới việc tính lãi nhưng liên quan tới tính toán thu lãi và trả lãi của các NH.
Tới đây, do chuyển sang hệ thống Core Banking mới nên Vietcombank sẽ có cơ chế để đáp ứng được các Thông tư 38, Thông tư 39 quy định về cho vay áp dụng từ ngày 15/3 và dự thảo Thông tư quy định phương pháp tính lãi. “Nhưng việc các TCTD phải minh bạch, công khai tính lãi cho khách hàng ngay từ đầu khi khách hàng gửi tiền, các quy định cụ thể về ngày bắt đầu tính lãi và thời hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới phần huy động vốn và chính sách huy động vốn của NH”, đại diện của Vietcombank chia sẻ.
Một trong những điểm nữa của dự thảo Thông tư là quy định phương pháp tính lãi, quy định về quyền và trách nhiệm của bên trả lãi. Quy định này yêu cầu các TCTD phải trả đủ gốc và lãi đúng hạn kể cả trong nhiều trường hợp TCTD là bên nhận lãi hay bên trả lãi thì phải thông báo cụ thể đến khách hàng rõ ràng, minh bạch lãi suất quy đổi về lãi suất tính theo năm là 365 ngày quy định tại Điều 4 thì lãi suất là bao nhiêu, nhằm tránh những tranh chấp về lãi suất giữa TCTD với khách hàng.
Ngoài ra, về số dư gốc để tính lãi ngày hay ngày bắt đầu tính lãi, nhìn chung các ý kiến của các NH còn nêu khó khăn trong việc điều chỉnh hệ thống để sử dụng số dư đầu ngày để tính lãi. Tuy nhiên, đây là một quy định rất rõ ràng trong Bộ luật Dân sự và cũng đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo cụ thể tại Thông tư 39.
Một số đại diện của các NHTM cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thời gian Thông tư có hiệu lực (dự kiến sau 6 tháng ban hành), bởi các NH cần thời gian chỉnh sửa phần mềm để đáp ứng các quy định của thông tư về phương pháp tính lãi.
Sau khi trao đổi thảo luận sôi nổi về các các câu hỏi được các TCTD đưa ra, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán cho rằng, đây là dự thảo Thông tư rất quan trọng, tác động tới cả hệ thống các TCTD, nên những ý kiến tại Hội thảo này sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu và sẽ xin ý kiến của Ban Lãnh đạo NHNN tiếp tục hoàn thiện để thông tư sớm được ban hành.
Theo Ban soạn thảo, số ngày tính lãi trong một năm là 365 ngày là đã được quy định Bộ luật Dân sự năm 2015, và cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay.