MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hút vốn ngoại vào TTCK: Không có con đường nào khác ngoài sự minh bạch của tất cả các bên

Các diễn giả đều đồng thuận khẳng định rằng để thị trường cạnh tranh được không có con đường nào khác là cần minh bạch và đào tạo nguồn nhân lực.

Câu chuyện nóng nhất trên thị trường hiện nay là làm sao thu hút vốn ngoại, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nâng cao tính minh bạch trong quản trị công ty đã được các diễn giả đưa ra thảo luận tại buổi tọa đàm về chủ đề “20 năm thị trường chứng khoán và bước chuyển của dòng vốn ngoại” do Chuyên trang Người Đồng Hành tổ chức mới đây.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM), Quỹ đầu tư 100% vốn Việt Nam nhưng huy động được vốn từ nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại về chất lượng của các doanh nghiệp.

“Tại SSIAM, chúng tôi không chỉ đi tìm các doanh nghiệp tiềm năng mà các công ty này còn cần kế hoạch phát triển bền vững và bộ máy quản trị minh bạch. Chúng tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ cơ hội đầu tư hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.”

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN đánh giá rằng quy mô đầu tư rất quan trọng, các công ty phải đủ lớn để thu hút nhà đầu tư tham gia.

“Tôi ở PAN Group, vì có quy mô lớn nên chúng tôi huy động vốn nhà đầu tư nước ngoài rất dễ, thậm chí chảnh, được quyền lựa chọn nhà đầu tư, huy động 100 triệu USD không phải khó.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tiềm năng của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường còn lớn và còn nhiều cơ hội đối với các công ty. Tuy nhiên, không thể lớn quá nhanh như Phù Đổng. Các công ty lớn theo tuổi, tăng trưởng mạnh để thu hút đầu tư. Tôi cho rằng giá trị lớn nhất của DN là xây dựng được bộ máy và phát triển mạnh nguồn nhân lực”, ông Hưng chia sẻ.

Ngoài yếu tố về quy mô thị trường và tính thanh khoản, ông Hưng cho rằng một yếu tố quan trọng nữa là yêu cầu về tính minh bạch của thị trường, tính nghiêm ngặt của chuẩn kiểm toán để các nhà đầu tư có thể nhìn nhận, so sánh nghiên cứu đầu tư.

Các diễn giả cũng đưa ra về góc nhìn riêng về vấn đề “Điều gì là quan trọng để giúp chúng ta cạnh tranh được với các thị trường Châu Âu, châu Mỹ, thị trường Thái Lan, Philippines, Malaysia…trong việc thu hút vốn đầu tư về Việt Nam ?”

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho rằng:Tôi nghĩ vấn đề quản trị công ty, minh bạch công bố thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, xử lý vi phạm, thanh tra… là rất quan trọng, bên cạnh đó, công cụ cho vay margin, sử dụng đúng quy định thì sẽ không bóp méo giá cả từ đó tạo lòng tin cho nhà đầu tư. UBCKNN đang tái cấu trúc phát triển cả về lượng và chất.

Về việc nâng hạng thị trường, đây là một câu chuyện khó khăn. Chúng ta đã đáp ứng được về vốn hóa, số CTCK tăng trưởng theo chuẩn MSCI, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc ở việc room nước ngoài, giảm thiểu thủ tục đầu tư gián tiếp.”

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến hai từ minh bạch.” Đó là câu trả lời của Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HoSE).


Ông Trần Dũng, Chủ tịch HOSE (bên phải)

Ông Trần Dũng, Chủ tịch HOSE (bên phải)

Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tông công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thì cho rằng, điều quan trọng nhất là yếu tố vĩ mô về sức khỏe của nền kinh tế. Môi trường đầu tư được cải thiện sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm với ông Vũ Bằng, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán Ernst&Young Việt Nam cũng cho rằng các quy định chặt chẽ sẽ giúp các công ty Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn nữa.

Thông thường, khi một tài sản rủi ro hơn thì phải chiết khấu cao hơn, đó cũng chính là điều khiến cho chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của Việt Nam thường thấp hơn so với các nước.

Ông Cường cho rằng tài sản đang bị định giá thấp với quốc tế, một trong những lý do là vì họ không hiểu được chuẩn mực của Việt Nam. Khi bên ngoài không hiểu, họ chiết khấu ở mức an toàn nhất.

Do đó, ông Cường đề xuất về lợi ích tổng thể hãy mạnh dạn thay đổi để đạt được chuẩn mực mà quốc tế thừa nhận chung. Nếu khó khăn để áp dụng rộng rãi thì chỉ áp dụng trước với công ty niêm yết, cho thời gian 2 đên 3 năm để chuyển đổi.

Bà Lệ Hằng thì cho rằng nếu chờ đến năm 2020, VN mới áp dụng toàn bộ chuẩn mực kế toán của quốc tế quốc tế. Do đó, trong 4 năm chờ đợi, chúng ta có thể khuyến khích các công ty trong VN100 sử dụng chuẩn quốc tế sớm để nâng cao tính minh bạch.

Với quan điểm là nhà đầu tư nước ngoài, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital đánh giá, nếu Việt Nam đi từ thị trường sơ khởi lên thị trường mới nổi, thị trường sẽ hưởng lợi rất nhiều.

“Tôi rất mừng rằng Việt Nam đang thiết lập một bộ chỉ số toàn diện, điển hình như VN Allshare. Mục đích khi xây dựng các chỉ số là hướng dẫn cho các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro. Theo kinh nghiệm của Dragon Capital, đây là vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất.

Nếu không có chỉ số chuẩn, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy thiếu thông tin và thiếu minh bạch”, ông Dominic chia sẻ.

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

Trở lên trên