Huy động tiền từ 3 quỹ tín dụng, chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng
Nghĩa chỉ đạo nhân viênchi ngoài ngân sách rồi chiếm đoạt tiền gây thiệt hại cho ba quỹ tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng.
- 06-09-2019Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ xem xét xóa nợ gốc cho khách hàng bị phá sản
- 20-08-2019Tháo gỡ vướng mắc cho vay của các Quỹ tín dụng nhân dân
- 08-07-2019Quỹ bảo lãnh tín dụng đang ở đâu?
Ngày 21-11, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Văn Văn Nghĩa - cựu Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Tân Tiến 19 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc Nghĩa phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho QTDND Tân Tiến 809 tỷ đồng, QTDND Thanh Bình 275 tỷ đồng và QTDND Dầu Giây hơn 42 tỷ đồng.
HĐXX tuyên án ngày 21-11. Ảnh: MV
HĐXX nhận định phần trình bày của bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trong hồ sơ. Bị cáo cũng thừa nhận toàn bộ hành vi pham tội. Quan điểm luận tội của VKS phù hợp với nhận định của HĐXX về tội danh và hình phạt.
Để xảy ra thiệt hại, ngoài hành vi phạm tội của bị cáo Nghĩa còn có sự giúp sức của các cá nhân, tổ chức khác, trong đó có Ngân Hàng nhà nước Việt Nam (NHNNVN) chi nhánh Đồng Nai.
Cụ thể, trong suốt quá trình từ khi Nghĩa thành lập ba quỹ tín dụng, đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát của NHNNVN Chi nhánh Đồng Nai đã thực hiện không đúng quy định về quản lý, không phát hiện ra hồ sơ giả, ký khống, ký giả của khách hàng tạo cơ hội cho bị cáo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai, VKSND tỉnh Đồng Nai chưa làm rõ, trách nhiệm hình sự của từng cá nhân, tổ chức.
Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS giữ nguyên quan điểm không có dấu hiệu đồng phạm. Cạnh đó, bị cáo còn sử dụng 82 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả để hợp thức hóa các hồ sơ giả để chiếm đoạt tài sản.
Hành vi trên có dấu hiệu của tội sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức khác. Do đó, HĐXX kiến nghị VKSND Cấp cao, TAND Cấp cao TP.HCM xem xét lại vụ án.
Bị cáo Văn Văn Nghĩa đứng nghe tuyên án ngày 21-11. Ảnh: MV
Theo cáo trạng, năm 2004, Nghĩa thành lập doanh nghiệp tư nhân Văn Tiến Nghĩa, sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Văn Tiến Nghĩa. Từ đó, Nghĩa thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng .
Năm 2011, Nghĩa thành lập QTDND Tân Tiến có ban điều hành, kiểm soát hoạt động huy động tiền gửi của người dân trên địa bàn các phường thuộc TP Biên Hòa.
Tiếp đó, năm 2014, Nghĩa đã chiếm đoạt tiền của QTDND Tân Tiến 10 tỷ đồng để mua QTDND Dầu Giây đang bị thua lỗ với giá 0 đồng. Năm 2016, Nghĩa mua QTDND Thanh Bình. Tại thời điểm mua, nguồn vốn huy động của quỹ còn dư gửi tại các tổ chức tín dụng khác khoảng 120 tỷ đồng.
Tính đến ngày 23-11-2017, Nghĩa vẫn đang huy động vốn vay tại ba quỹ với tổng số tiền 1.234 tỷ đồng của 6.310 sổ tiết kiệm. Số tiền huy động được tại ba quỹ, Nghĩa chỉ đạo nhân viên vay thật 146,1 tỷ đồng, còn 1.088 tỷ đồng thì huy động ngoài sổ sách kế toán, lập hồ sơ tín dụng cho vay không có khách hàng thật, chi lương khống cho hai người.
Số tiền còn lại, Nghĩa gửi lại các tổ chức tín dụng, đầu tư xây dựng chung cư nhà ở kết hợp thương mại, góp vốn đầu tư vào bệnh viện, làm chứng thư bảo lãnh thi công dự án BOT quốc lộ 53 Long Hồ - Ba Si đoạn Vĩnh Long – Trà Vinh.
Đồng thời, Nghĩa dùng số tiền chiếm đoạt mua 40 thửa đất có giá trị gần 450 tỷ đồng (đã được kê biên), mua 76 phương tiện vận tải, máy móc thiết bị có giá trị định giá là 56,1 tỷ đồng. Tổng cộng, Nghĩa chiếm đoạt 563,7 tỷ đồng.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh