Huy động USD lãi 0%, cho vay lãi 3% vì ngân hàng cần phải... sống?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng huy động USD lãi 0%, cho vay lãi tới 3% là bình thường vì đó là lợi nhuận cần có để ngân hàng duy trì sự sống.
- 14-03-2016"Không có áp lực vượt trần lãi suất huy động USD bằng mọi giá"
- 22-12-2015Những chuyển động ngầm quanh chuyện hạ lãi suất tiền gửi USD
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2589 ngày 17/12/2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ (USD) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014 của NHNN ngày 17/ 3/2014.
TS Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)
Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm. Quy định này nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
Kể từ khi quy định này được áp dụng đã gây nhiều phản ứng trong xã hội, đặc biệt là dư luận đặt vấn đề vì sao chỉ áp dụng lãi suất huy động 0% với đồng USD mà không áp dụng với các ngoại tệ khác. Theo lý giải của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, chủ trương đó cũng đúng ở chỗ phần lớn những giao dịch liên quan đến ngoại tệ ở nước ta đều là bằng USD, tiền đồng VN cũng thường dựa vào tỉ giá USD, còn giao dịch đối với các tiền đồng khác chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tuần từ 4-6/5/2016, lãi suất huy động bằng USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Lãi suất cho vay USD tương đối ổn định phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm.
Chính vì thế, theo ông Hiếu, “ở Việt Nam, đồng USD có một tầm quan trọng vì chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Việc giảm lãi suất về 0% là khống chế hoạt động đầu cơ liên quan đến USD. Đồng USD ảnh hưởng rất mạnh đến dòng chuyển động tiền tệ trong nền kinh tế Việt Nam. Có lẽ vì thế mà NHNN chỉ điều chỉnh lãi suất của đồng USD như vậy mà không áp dụng với các đồng ngoại tệ khác”.
Mới đây, ngày 6/5, NHNN lại ra thông điệp cấm tất cả ngân hàng, chi nhánh, tổ chức nước ngoài vi phạm quy định vượt trần tiền gửi USD ở mức 0%. Tuy nhiên, một vấn đề dư luận vẫn thắc mắc là trong khi các ngân hàng nhận gửi vào USD với lãi suất 0% theo quy định, nhưng khi cho vay lại lấy lãi lên tới 2,5-3%. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu giải thích: “Đó là điều dễ hiểu, vì cho vay ra thì phải có chi phí vốn và tỉ lệ lợi nhuận, nếu các ngân hàng mà chi phí vốn = 0 thì họ vẫn phải có tỉ lệ lợi nhuận trên chi phí vốn = 0 đó, ít nhất là có lời 3% để bù trừ.
Giải thích rõ hơn về sự bù trừ này, ông Hiếu cho biết: Theo quy định, các ngân hàng phải dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng Trung ương . Như vậy, với tiền đồng dự trữ khoảng 3%, với ngoại tệ có thể cao hơn. Trong trường hợp với 3% áp dụng cho dự trữ tiền đồng, nghĩa là một ngân hàng huy động được 100 đồng thì không thể sử dụng cả 100 đồng, mà chỉ sử dụng được 97 đồng. Còn 3 đồng phải giữ trong tài khoản của họ với Ngân hàng Trung ương, đây là dự trữ bắt buộc.
Bên cạnh dự trữ bắt buộc, các ngân hàng cho vay phải có dự phòng nợ xấu, rủi ro, trong đó đối với những món nợ thông thường (chưa quá hạn, chưa phải là nợ xấu) thì tỉ lệ là 0,7% trên số nợ có trên sổ sách. Ngoài ra, ngân hàng còn phải dự phòng về thanh khoản, những chi phí hoạt động. Cuối cùng ngân hàng cũng phải dự trù một tỉ lệ lợi nhuận nào đó cho cổ đông. Nghĩa là ngân hàng ít nhất phải có lợi nhuận ròng là 3% trên chi phí vốn. Thành ra các ngân hàng cho vay ra vẫn phải có tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu để có lãi, vì nếu chi phí vốn = 0, mà cho vay = 0 thì ngân hàng lỗ.
Bình luận về cách quản lý lãi suất ngoại hối như hiện nay của NHNN, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Đó là tác động tích cực, vì các ngân hàng làm ăn phải có lãi, nếu không có lãi sẽ sập tiệm. Nếu hệ thống ngân hàng sập tiệm, phá sản thì cả một nền kinh tế phá sản. Thành ra, bắt buộc phải để ngân hàng có lãi để duy trì hoạt động, và tất nhiên lãi này phải hợp lý. Cho nên, khi huy động USD lãi = 0% nhưng cho vay ra có thể tính lãi 3-4%, giữ chênh lệch đó là tỷ lệ lợi nhuận cần có để ngân hàng duy trì sự sống của mình”./.
VOV