Huyện có đến 126 làng cổ, thu ngân sách nghìn tỷ mỗi năm
Với lợi thế có nhiều làng nghề và cụm công nghiệp, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 63 triệu đồng/năm.
- 26-11-2022Kể từ năm 1986, để vượt ngưỡng thu nhập thấp, Philippines mất 9 năm, Indonesia mất 11 năm, Việt Nam thì sao?
- 26-11-2022Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư có chọn lọc
- 26-11-2022Việt Nam có thể mất 15% GDP vào năm 2040 nếu không giảm được phát thải các bon
Huyện Thường Tín nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía nam. Huyện có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ giao thương từ thủ đô đi các tỉnh phía nam. Thường Tín có diện tích 127,59 km², dân số 254.702 người (theo Tổng điều tra Dân số năm 2019), mật độ dân số trung bình là 1.996 người/km2. Huyện Thường Tín hiện tại gồm 1 thị trấn và 28 xã.
Trong số các huyện ở phía nam Hà Nội, Thường Tín là huyện có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nhất. Tổng thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 2.040 tỷ đồng triệu đồng, bằng khoảng ⅓ so với quận Hoàn Kiếm.
Huyện Thường Tín được biết đến là “vùng đất trăm nghề”. Tại đây có 126 làng có nghề, 49 làng nghề được công nhận với các loại mặt hàng có tính hàng hóa và mang lại giá trị cao.
Trong đó, có nhiều làng nghề nổi tiếng, làm ra các sản phẩm đặc trưng, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế như: Thêu ren Quất Động, Nghề làm lược sừng Thụy Ứng, Mây tre đan Ninh Sở, Nghề điêu khắc Nhân Hiền…
Toàn huyện có 11 cụm công nghiệp, với hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp. Tổng diện tích lên đến 191 ha. Cơ cấu kinh tế của huyện Thường Tín đang dịch chuyển theo hướng tích cực. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 53,4%, tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ chiếm 32,5%, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 14,1%. Năm 2021, tổng giá trị Công nghiệp - thủ công nghiệp ước đạt 15.310 tỷ đồng, tổng giá trị thương mại dịch vụ đạt 13.650 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.680 tỷ đồng.
Huyện có hệ thống đường giao thông thuận lợi với hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện là Quốc lộ 1 dài 17,2 km và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 17 km. Trên huyện có tuyến đường sắt Bắc Nam dài 16 km chạy qua 3 nhà ga là ga Thường Tín, ga Chợ Tía và ga Vạn Điểm.
Hệ thống giao thông của huyện ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kết nối các tỉnh lân cận.
Huyện Thường Tín có lợi thế về đường sông với hai con sông lớn chảy qua là sông Nhuệ và sông Hồng. Tại đây có 6 bến đò, 2 bến cảng là cảng Vạn Điểm và cảng Hồng Vân. Đây là cảng thủy nội địa giúp vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giao thương quốc tế, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.
Thường Tín có 32 cơ sở y tế, trong đó có 2 bệnh viện lớn là: Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, Bệnh viện tâm thần Trung Ương. Đồng thời, huyện có 1 trung tâm y tế dự phòng và 1 viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương. Mạng lưới y tế đang được củng cố và hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của người dân.
Tại huyện cũng tập trung nhiều cơ sở đào tạo, có thể kể đến như: Trường Cao đẳng Truyền hình, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Trong ảnh là sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình đang tác nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện Thường Tín còn có tiềm năng về du lịch, dịch vụ khi có tới 108 di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như: chùa Đậu, đền thờ Nguyễn Trãi, đình thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung… Trong ảnh là Chùa Đậu, ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội). Chùa có niên đại khoảng 2000 năm. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 8 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch, chùa Đậu đón hàng ngàn du khách tới tham quan, lễ bái.
Bản đồ hành chính huyện Thường Tín.
Nhịp sống thị trường