Hy sinh lợi nhuận để kích cầu
Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua sản phẩm quen thuộc để chuyển sang thương hiệu khác rẻ hơn.
- 12-04-2023Giảm 2% thuế VAT: Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng
- 10-04-2023Giảm thuế giá trị gia tăng: Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng
- 18-02-2023TP Hồ Chí Minh: Tính triển khai gói kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp
Sau gần nửa tháng đồng loạt triển khai giảm giá sâu, các siêu thị ở TP HCM đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ phía khách hàng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng tăng mạnh nhưng doanh số thu về lại giảm. Dù vậy, các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng chương trình giảm giá sâu này sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phục hồi.
Quay cuồng bài toán chi tiêu
Gần đến lễ 30-4 và 1-5, vợ chồng chị Lê Thị Mỹ Dung (ngụ Bình Tân, TP HCM) mất ăn mất ngủ vì chồng chị vừa bị công ty vận động làm đơn thôi việc. Vợ chồng chị Dung có 3 con, đứa lớn nhất mới học lớp 3, đứa nhỏ nhất còn đang học mầm non nhưng tiền học ở trường, học thêm đã gần 15 triệu đồng/tháng.
Tiền ăn uống, sinh hoạt cho gia đình 5 người cũng gần 20 triệu đồng/tháng, tổng cộng chi phí tối thiểu cả nhà không dưới 30 triệu đồng/tháng. "Trước đây, vợ chồng chị cùng đi làm nên vẫn đủ trang trải nhưng sắp tới chỉ còn một đầu lương, kinh tế gia đình sẽ rất căng thẳng. Trước mắt, khi chưa có nguồn thu nhập nào mới, cả nhà phải chịu khó tiêu dùng ít lại" - chị Mỹ Dung rầu rĩ.
Cũng quay cuồng với bài toán chi tiêu lúc kinh tế khó khăn, chị Nguyễn Thanh Phúc, giáo viên một trường trung học ở huyện Bình Chánh, đã chuyển từ sữa bột sang sữa hộp cho con, giảm tối đa các bữa ăn sáng, ăn tối bên ngoài và lập nhóm đi chợ chung với các nhà hàng xóm để tiết kiệm.
"Hàng xóm kế bên nhà tôi có người làm ở chợ Bình Điền nên nhận mua giùm rau, cá, tôm tươi, mỗi loại 8-10 kg, rồi chia ra mỗi nhà trong xóm 1-2 kg nên được giá rẻ hơn nhiều so với mua ở chợ lẻ hoặc siêu thị. Bột giặt, gạo, dầu ăn, đường... thì tôi canh mua hàng khuyến mãi trên mạng hay siêu thị để có giá rẻ" - chị Thanh Phúc chia sẻ kinh nghiệm.
Nhìn chung, xu hướng chi tiêu tiết kiệm đã thể hiện rõ qua các chỉ số tiêu dùng TP HCM quý đầu năm 2023. Cụ thể, theo Cục Thống kê TP HCM, 3 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ trên địa bàn ước đạt gần 164.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ nhưng doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm đến 20,4%. Người dân TP HCM chủ yếu chi cho ăn uống để duy trì sinh hoạt hằng ngày mà cắt giảm các khoản chi cho hàng hóa, dịch vụ khác.
Tương tự, các hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn TP HCM cũng ghi nhận doanh thu tăng nhưng cũng chỉ tập trung ở ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu. Các DN nhìn nhận thị trường đang có xu hướng tăng không bền vững do giá trị giỏ hàng giảm và cơ cấu hàng hóa trong giỏ hàng bị mất cân xứng vì người tiêu dùng cắt giảm những món hàng không thiết yếu.
Nhiều DN thậm chí đã chuẩn bị tâm lý khó khăn đến hết năm 2024. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết so với năm 2021, doanh số bán hàng quý I/2023 của công ty giảm rất sâu.
"Vì khó khăn do nhiều nguyên nhân nên chúng tôi phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, trong đó có khuyến mãi giảm giá, tăng cường quảng bá thương hiệu, tái cấu trúc bộ máy…, mục tiêu không phải để tăng doanh số mà là giữ thị phần, cầm cự đến khi kinh tế khởi sắc hơn thì DN sẽ tăng tốc phục hồi" - ông Xuân Vũ chia sẻ.
Tập trung "đánh" mạnh về giá
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng đang rất quan tâm đến giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua sản phẩm của thương hiệu quen thuộc, chuyển sang thương hiệu khác rẻ hơn hoặc có chương trình giảm giá.
Nhìn nhận được điều này, lần đầu tiên, các DN bán lẻ đồng loạt tập trung "đánh" mạnh về giá nhằm tác động trực tiếp đến túi tiền khách hàng. Các siêu thị, cửa hàng cam kết hạ lợi nhuận một số mặt hàng lương thực, thực phẩm xuống 0% để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, DN cung cấp.
Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho rằng lạm phát đang là mối bận tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Vì vậy, DN bán lẻ đã làm việc với đối tác và nhà cung cấp để bảo đảm kiểm soát được giá cả hàng hóa. Đơn cử, chương trình "Chợ sỉ hiện đại" của MM Mega Market dành khoảng 40 sản phẩm tươi sống như rau củ, cá và thịt với giá bán tương đương giá ở chợ sỉ. Ngoài ra, siêu thị còn có chương trình "khóa giá" áp dụng cho rất nhiều sản phẩm.
Một số DN không đặt nặng mục tiêu duy trì tăng trưởng cao mà tập trung duy trì doanh thu. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh…) vừa công bố mục tiêu bảo vệ dòng tiền và đặc biệt tập trung thu hút cũng như giữ chân khách hàng trong bối cảnh sức mua giảm.
Thậm chí, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài còn mạnh mẽ cam kết "sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu". Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ đưa ra lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá, khuyến mãi để cạnh tranh và hút khách.
Qua theo dõi của các DN bán lẻ, sau hơn 10 ngày thực hiện các chương trình khuyến mãi đậm về giá, sức mua chung có nhích lên dù chưa nhiều như kỳ vọng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng giảm giá "sốc" tăng hơn 10% nhưng doanh số chỉ tăng hơn 5% so với trước khi "chạy" chương trình.
"Chỉ 15% nhà cung cấp đồng ý phương án chia sẻ lợi nhuận để thực hiện chương trình, còn lại 85% nhà cung cấp yêu cầu chúng tôi chứng minh sản lượng bán ra tăng đủ để DN có thể có lợi nhuận rồi mới cân nhắc tham gia. Vì vậy, siêu thị đang theo dõi kỹ các số liệu, sau 1 tháng sẽ đánh giá hiệu quả chương trình để có phương án làm việc với nhà cung cấp" - đại diện một hệ thống phân phối lớn tiết lộ.
Cũng theo các DN, "giảm giá sốc", "khóa giá"... chỉ là giải pháp ngắn hạn để thu hút khách hàng, kích cầu với ý nghĩa trợ giá cho khách hàng mạnh tay mua sắm hơn trong giai đoạn khó khăn chung. Các chương trình này chỉ có thể kéo dài nếu có sự đồng thuận của nhà cung cấp, cùng đưa lợi nhuận về mức thấp để giảm giá, kích cầu.
Còn về dài hạn, cần có những chính sách, giải pháp rõ ràng của nhà nước nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. "Khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện thì sức mua tự động bật tăng trở lại" - tổng giám đốc một DN bán lẻ nêu ý kiến.
Giúp doanh nghiệp đứng vững
Các chuyên gia kinh tế cho rằng giảm giá kích cầu trong giai đoạn này không chỉ là giải pháp giúp DN đứng vững trong khó khăn mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước tràn sang. Về lâu dài, để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics. Cần sớm thiết lập hệ thống các sàn giao dịch hàng hóa nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người lao động