MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IEEFA: Quy hoạch Điện VIII vẫn quá chú trọng nhiệt điện than và điện khí

IEEFA: Quy hoạch Điện VIII vẫn quá chú trọng nhiệt điện than và điện khí

Báo cáo "Quy hoạch Điện VIII phải là tác nhân cho đổi mới sáng tạo" của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) mới công bố vừa qua nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã ở một vị thể thuận lợi khi bắt tay xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Quy hoạch Điện VIII không thể áp dụng nguyên tắc xây dựng quy hoạch điện cũ

IEEFA: Quy hoạch Điện VIII vẫn quá chú trọng nhiệt điện than và điện khí - Ảnh 1.

Theo IEEFA, trong khi các dự án nhiệt điện than và khí đốt truyền thống thường xuyên bị chậm tiến độ và chỉ hoàn thành được một nửa lượng công suất dự kiến cho giai đoạn 2016-2020, thì các nhà phát triển dự án điện mặt trời đã mang lại nguồn công suất lớn gấp 5 lần dự kiến, trong một khoảng thời gian ngắn.

"Các số liệu thống kê này đủ rõ ràng để có thể định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành điện Việt Nam", báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, các nguyên tắc xây dựng quy hoạch điện trước đây được hình thành trong bối cảnh công nghệ không có nhiều thay đổi và việc ưu tiên tập trung phát triển nguồn điện là cách làm phổ biến. Tuy nhiên, đây không còn là cách tiếp cận phù hợp trong giai đoạn đoạn hiện nay.

Lý giải về điều này, IEEFA khẳng định những cải tiến về công nghệ đòi hỏi sự thay đổi trong công tác lập quy hoạch, chuyển từ cách làm truyền thống sang phương pháp tiếp cận theo lộ trình phát triển.

IEEFA đánh giá bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII vừa qua vẫn còn truyền thống với việc chú trọng đến việc bổ sung thêm công suất chạy nền từ nhiệt điện than và điện khí, chiếm tới 57% lượng công suất bổ sung thêm từ nay cho tới năm 2030.

Loạt dự án nhiệt điện than liên tục đối mặt thách thức

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng, song dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn giữ lại rất nhiều dự án nhiệt điện than trong lộ trình phát triển. Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, các dự án nhiệt điện than liên tục đối mặt với vấn đề chậm tiến độ, chi phí vượt dự kiến, sự phản đối của người dân địa phương và khó khăn tìm kiếm nguồn tài chính.

IEEFA: Quy hoạch Điện VIII vẫn quá chú trọng nhiệt điện than và điện khí - Ảnh 2.

Theo thống kê của IEEFA, đã có 135 tổ chức tài chính toàn cầu công bố lộ trình thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than. Như vậy, Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ xu hướng toàn cầu này.

Tháng 2 vừa qua, Mitsubishi, một trong những nhà đầu tư lâu năm vào ngành điện Việt Nam, đã thông báo sẽ rút khỏi dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (công suất 2 GW) được triển khai đầu tư từ năm 2009. Nhà đầu tư Nhật Bản này cùng với các đối tác khác đã và đang phải đối mặt với nhưng chỉ trích gay gắt từ các cổ đông quốc tế và các tổ chức dân sự do sự tham gia của họ vào dự án Vũng Áng 2.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo tiếp tục cho thấy những cải thiện vượt bậc về chi phí sản xuất nhờ vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc này. Cụ thể, với hạ tầng lưới điện hiện đại và các cơ chế khuyến khích đặc thù cho pin tích trữ, các nhà quy hoạch hoàn toàn có khả năng kéo chi phí mua điện xuống thấp và đạt được mục tiêu cấp điện ổn định.

Thị trường đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam

Trong hai năm vừa qua, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thay đổi đáng kể so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Trong khi Indonesia vẫn đang chật vật để chuyển dịch khỏi các nguồn năng lượng hóa thạch, các tập đoàn lớn trên thế giới ngày càng cam kết mạnh mẽ vào việc giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng của họ.

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trong khu vực đã tích cực thay đổi để đáp ứng nhu cầu của các nguồn vốn FDI. Ngoài ra, các nhà đầu tư hiện đang ráo riết chuẩn bị để thích nghi với các chính sách năng lượng mới.

IEEFA: Quy hoạch Điện VIII vẫn quá chú trọng nhiệt điện than và điện khí - Ảnh 3.

"Đây là thời điểm Việt Nam nên gửi đi thông điệp rằng các nguồn điện sạch mới sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong thị trường, tiến dần lên mô hình đấu giá cạnh tranh với chi phí ngày càng thấp. Thị trường đã sẵn sàng đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam. Giờ là lúc cần triển khai các chính sách giúp cải thiện chi phí mua bán điện cho ngày càng cạnh tranh hơn", IEEFA khuyến nghị.

Tổ chức này nhấn mạnh việc đặt ra một mức trần cho lượng công suất bổ sung từ điện mặt trời và điện gió cho thập kỷ tới có thể mang lại những hệ lụy to lớn ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên