MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IFC: Cơ hội tiếp cận vốn Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế

IFC: Cơ hội tiếp cận vốn Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế

IFC cho rằng cần có các loại công cụ mới - như trái phiếu cơ sở hạ tầng, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, và các công cụ có cấu trúc khác - để hỗ trợ phát triển hạ tầng và các khoản đầu tư dài hạn khác ở Việt Nam.

Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam của IFC - Ngân hàng thế giới cho rằng thị trường vốn Việt Nam đang mở rộng nhưng vẫn chưa có chiều sâu. Mặc dù có tăng trưởng, Việt Nam tiếp tục tụt hậu so với các nước thành viên ASEAN khác, như thể hiện rõ trên thị trường trái phiếu. 

Theo IFC, sự mở rộng tương đối nhanh chóng của thị trường trái phiếu ở Việt Nam gần đây tập trung vào các đợt phát hành từ khu vực nhà nước, trong khi việc sử dụng trái phiếu của các tập đoàn chủ yếu giới hạn ở các ngân hàng và công ty bất động sản, phần lớn thông qua các đợt phát hành riêng lẻ không được niêm yết trên sàn giao dịch. 

Một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấp vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước, cấp vốn cho các DNNN lớn, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội cho các ngành khác nhau xây dựng các công cụ phù hợp với nhu cầu vốn của họ, cải thiện ổn định tài chính và có khả năng thu hút các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước nhiều hơn nữa. 

Tuy nhiên, có một số trở ngại đối với tăng trưởng của thị trường, bao gồm khung pháp lý và quy định quản lý còn bất cập, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp; thiếu tài liệu hồ sơ cần thiết và chuẩn hóa; ít sử dụng xếp hạng tín dụng; và thiếu văn hóa tín dụng dựa trên việc công bố thông tin.

Trong khi đó, theo IFC, huy động vốn trên thị trường chứng khoán còn ở mức thấp , và cơ hội tiếp cận vốn Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế . Tổng các đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) và phát hành tiếp theo đạt 3,8 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2018, thấp hơn các quốc gia tương đương: Philippines (4,7 tỷ USD), Malaysia (5,1 tỷ USD), Thái Lan (5,8 tỷ USD) và Trung Quốc (143 tỷ USD). Thị trường chứng khoá n thứ cấp của Việt Nam sôi động hơn, với hệ số quay vòng khiêm tốn là 40%, xếp hạng trung bình so với các thị trường trong khu vực theo số liệu báo cáo. 

IFC cho rằng trở ngại cho các đợt phát hành lớn hơn ra thị trường chứng khoán bao gồm giới hạn về sở hữu nước ngoài, theo đó đã phát sinh một số vấn đề về xác lập giá với cổ phiếu các công ty có sở hữu nước ngoài đã đạt đến mức giới hạn, và thiếu công bố thông tin (bao gồm cung cấp kịp thời các thông tin bằng tiếng Anh) và tiếp cận quản lý đối với các công ty niêm yết. Các biện pháp kiểm soát vốn - ví dụ, kiểm soát việc tiếp cận các công cụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối - cũng cản trở sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo IFC, điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục phát triển các nền tảng cho tài chính dài hạn. Những nền tảng này bao gồm cải thiện cơ chế định giá thông qua phát triển đường cong lãi suất, nhờ đó tận dụng được động lực hiện có từ sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ. 

Sự phát triển của thị trường tiền tệ và tỷ giá tham chiếu ngắn hạn đáng tin cậy sẽ giúp củng cố đường cong lãi suất và gián tiếp tạo điều kiện phát triển các công cụ đổi mới sáng tạo trên thị trường vốn. 

Các ngân hàng khó có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu tài chính ngày càng tăng do hạn chế về thanh khoản và vốn cũng như chênh lệch kỳ hạn. Trong bối cảnh này, cần có các loại công cụ mới - như trái phiếu cơ sở hạ tầng, chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, và các công cụ có cấu trúc khác - để hỗ trợ phát triển hạ tầng và các khoản đầu tư dài hạn khác ở Việt Nam. Phát triển theo hướng này cần song hành với nỗ lực mở rộng đối tượng nhà đầu tư, không chỉ quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng thị trường mà còn tăng thanh khoản và giảm biến động. 

Liên quan đến những nỗ lực khác, sự phát triển của các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng như phương tiện tiết kiệm dài hạn cho cá nhân và là công cụ huy động vốn dài hạn thông qua thị trường vốn. Sự ra mắt của quỹ hưu trí tư nhân đầu tiên vào tháng 4 năm 2021 là một bước tiến đầy hứa hẹn. Hơn nữa, nên cân nhắc một hệ thống ưu đãi thích hợp (như thông qua ưu đãi thuế) để thu hút đầu tư nhiều hơn thông qua các công cụ này.

IFC khuyến nghị chương trình cải cách của Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn, tăng cường và xanh hoá dịch vụ hạ tầng, và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, và có năng suất cao.

"Để có thể nối dài câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng cao và bền vững," ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào cho biết. "Đại dịch COVID-19 càng khiến việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của khu vực tư nhân trở nên cấp thiết hơn nhằm tìm kiếm các giải pháp hợp tác công-tư để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nguồn lực của chính phủ, vốn hạn chế, đã được ưu tiên cho chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế trong đại dịch."

Châu Cao

IFC

Trở lên trên