MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ILO: Covid-19 có thể làm tác động tới sinh kế của 10,3 triệu lao động Việt Nam tính đến cuối quý 2

23-04-2020 - 10:14 AM | Doanh nghiệp

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam ước tính đến cuối quý 2 năm nay, đại dịch Covid-19 có thể tác động tới sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.

ILO vừa đưa ra báo cáo nhanh về tác động của Covid-19 tới thị trường lao động Việt Nam.

Theo ILO, các số liệu thống kê quốc gia trong quý 1 thể hiện khủng hoảng COVID-19 chỉ tạo nên tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam. Các chỉ số thị trường lao động từ các số liệu mới nhất cho thấy việc làm, tình trạng thất nghiệp và số giờ làm việc trong quý 1 năm 2020 vẫn chưa bị tác động do khủng hoảng. Cụ thể, ILO đưa ra các con số so sánh tình trạng thất nghiệp, số giờ làm việc trong quý 1 năm 2019 và quý 1 năm 2020 và cho thấy các con số biến động không nhiều.

ILO: Covid-19 có thể làm tác động tới sinh kế của 10,3 triệu lao động Việt Nam tính đến cuối quý 2 - Ảnh 1.

"Chúng tôi thấy rằng số liệu việc làm cũng giữ ở mức ổn định trong các lĩnh vực đã chứng kiến sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng hay thu hẹp quy mô do khủng hoảng trong quý đầu của năm", ILO cho hay. Tuy nhiên, theo ILO, sự tác động của Covid-19 sẽ rõ ràng hơn ở quý 2.

Quý 2, 10,3 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và người làm việc phi chính thức bị tổn thương nhiều nhất

ILO đặt ra hai kịch bản trong quý 2. Kịch bản một là mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý 2. Kịch bản thứ hai là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.

Tổ chức này ước tính đến cuối quý 2 năm nay, đại dịch Covid-19 có thể tác động tới sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động Việt Nam thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.

Cũng theo ILO, Covid-19 sẽ tác động đặc biệt nặng nề đến lao động phi chính thức. Khu vực kinh tế phi chính thức là nguồn tạo sinh kế chính của phụ nữ và nam giới ở Việt Nam. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ việc làm phi chính thức đã và đang có xu hướng giảm đi nhưng phần đông lao động cả nước vẫn đang làm việc trong khu vực này.

Lao động phi chính thức không được hưởng các chế độ phúc lợi cơ bản như khi làm một công việc chính thức, bao gồm cả chế độ bảo trợ xã hội. Nếu họ phải ngừng làm việc do suy thoái kinh tế, ốm đau hay thực hiện giãn cách xã hội, họ sẽ không được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội do Nhà nước chi trả.

Hàng triệu người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không được bảo vệ sức khỏe về khía cạnh tài chính. Đặc biệt, lao động phi chính thức làm việc ở nhiều ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều trong Covid-19. Cụ thể, trong mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống, lao động làm việc phi chính thức lên tới 81,3%; thương mại - bán lẻ - sửa chữa là 69,5%; nghệ thuật - vui chơi - giải trí là 67,5%.

ILO: Covid-19 có thể làm tác động tới sinh kế của 10,3 triệu lao động Việt Nam tính đến cuối quý 2 - Ảnh 2.

ILO nhận định Việt Nam đã kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 rất tốt trong những tháng đầu năm 2020.Và mức độ tổn thất về sinh kế sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chính phủ Việt Nam và các nước khác áp dụng.

ILO: Covid-19 có thể làm tác động tới sinh kế của 10,3 triệu lao động Việt Nam tính đến cuối quý 2 - Ảnh 4.

Thế Trần

Tổ Quốc

Trở lên trên