ILO: Lao động khu vực tư nhân ở Việt Nam đang gánh một phần tài chính cho quỹ lương hưu của khu vực công
Ở Việt Nam, một trong số các thách thức lớn đối với hệ thống hưu trí hiện nay là áp lực tài chính. Theo Báo cáo tóm lược các phương án xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), áp lực này xuất phát từ những thay đổi cơ cấu dân số và một số yếu tố khác.
- 24-03-2022Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm chờ nghỉ hưu có ảnh hưởng đến lương hưu?
- 24-03-2022[INFOGRAPHIC] Những quy định mới về tiền lương, BHXH có lợi cho người lao động
- 23-03-2022Từ năm 2022 trở đi, đóng bao nhiêu năm BHXH được nhận lương hưu tối đa 75%?
Tốc độ già hóa dân số nhanh và sự hoàn thiện tự nhiên của hệ thống hưu trí của Việt Nam tạo ra một tình trạng đặc thù có ảnh hưởng tới hệ thống hưu trí và chi phí của hệ thống đó. Chi phí tăng lên là một hiện tượng bình thường mà nhiều quốc gia già hóa trên thế giới gặp phải khi các hệ thống hưu trí hoàn thiện và dân số già hóa. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam cần phải hành động.
Tỷ lệ thay thế cao và tuổi nghỉ hưu theo luật thấp có vẻ mâu thuẫn với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Hiện nay phụ nữ có thể nghỉ hưu ở tuổi 55 và nam giới nghỉ hưu ở tuổi 60, trong khi tuổi thọ ở tuổi 60 được cho là sẽ tăng từ 18,9 năm đối với nam và 21,6 năm đối với nữ vào năm 2015 lên tương ứng là 20,9 năm và 25,0 năm vào năm 2060.
Tuổi thọ cao hơn có nghĩa là người dân sẽ hưởng hưu trí trong thời gian dài hơn (hoặc sẽ làm việc dài hơn nếu điều kiện sức khỏe cho phép). Cùng với tỷ lệ người đóng đang ngày càng giảm đi so với tỷ lệ người hưởng, xu hướng này có thể đặt ra thách thức về tài chính cho hệ thống.
Điều này cho thấy cần phải thiết kế mức tuổi nghỉ hưu bình đẳng cho cả nam và nữ. Các tỷ lệ thay thế hiện nay đều quá cao nên không đảm bảo bền vững tài chính của hệ thống. Tỷ lệ thay thế tối đa là 75% lương tham chiếu sau 35 năm đóng góp. Với những người có từ 20 đến 35 năm công tác, tỷ lệ thay thế ở Việt Nam hiện đang quá cao so với “lương đóng bảo hiểm” (chưa cần so với lương tổng). Trong khi đó cần phải đóng góp đủ 20 năm mới đủ điều kiện hưởng lương hưu tối thiểu.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Số người rút bảo hiểm một lần gia tăng dẫn tới tác động tiêu cực đối với việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Những người dừng đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian tối thiểu một năm và chưa đạt tới 20 năm đóng góp thì được phép rút bảo hiểm một lần. Tuy nhiên việc rút một lần sẽ làm ảnh hưởng tới mức an ninh thu nhập tuổi già.
Số người tham gia bảo hiểm lựa chọn rút một lần lên tới gần 500.000 người mỗi năm, và con số này là cao so với số người hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội mỗi năm. Ngoài ra, những trường hợp thanh toán một lần tập trung vào nhóm lao động trẻ gây có tác động nặng nề hơn đối với đảm bảo thu nhập tuổi già.
Hợp phần hưu trí cho công chức nhà nước đang gây rủi ro tài chính cho quỹ hưu trí của người lao động khu vực tư nhân. Mức lương hưu cho khu vực tư nhân căn cứ vào thu nhập toàn thời gian lao động, trong khi mức lương hưu khu vực công vẫn căn cứ vào thu nhập trung bình của một số năm gần nhất (5, 6, 8 hoặc 10 năm đóng góp cuối cùng, tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu đóng).
"Do thu nhập của những năm cuối đóng bảo hiểm thường cao hơn, nên người lao động khu vực tư nhân đang gánh một phần tài chính cho quỹ hưu trí khu vực công" - ILO nhấn mạnh.